Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển Hà Nội trở thành trung tâm thương mại của ASEAN

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “TP Hà Nội đã tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại, qua đó giúp người dân vùng ngoại thành xây dựng nông thôn mới, tiếp cận sản phẩm chất lượng cao”.

Đó là khẳng định của Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về hệ thống bán lẻ sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính.

Doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế trao đổi về đầu tư, kinh doanh tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Pháp 2023 ''Hướng tới phát triển xanh và bền vững''. Ảnh: Phạm Hùng
Doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế trao đổi về đầu tư, kinh doanh tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Pháp 2023 ''Hướng tới phát triển xanh và bền vững''. Ảnh: Phạm Hùng

Thời điểm năm 2008, khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, hạ tầng thương mại trên địa bàn Hà Nội, nhất là khu vực Hà Tây (cũ) chưa phát triển mạnh. Cả TP chỉ có 10 trung tâm thương mại (TTTM), 78 siêu thị và 355 chợ, trong đó hầu hết các chợ đều được xây dựng từ nhiều năm trước, đã bị xuống cấp.

Đến nay, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Sở Công Thương đã phối hợp các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các loại hình hạ tầng thương mại. Đến nay, TP Hà Nội đã phát triển được 29 TTTM, 135 siêu thị; 453 chợ; hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi, địa điểm kinh doanh thực phẩm; 415 máy bán hàng tự động…

Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị”, Sở Công Thương đã đề xuất mô hình chung trung tâm Outlet tại TP Hà Nội (đây là một loại hình thương mại đầu tiên tại Việt Nam) tại tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài với diện tích khoảng 39,45 ha.

Song song với việc xây dựng hệ thống bán lẻ truyền thống, để đáp ứng nhu cầu mua sắm không dùng tiền mặt của người dân, Sở Công Thương Hà Nội liên tục tổ chức thành công Sự kiện không dùng tiền mặt, Phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai Chương trình “Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday” qua đó hỗ trợ DN mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ngay từ năm 2015, Hà Nội đã chính thức đưa vào vận hành website “Bản đồ mua sắm TP Hà Nội”, công bố danh sách gần 600 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu gồm các sàn thương mại điện tử, siêu thị, hệ thống phân phối…

Thông qua những hoạt động này, các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử tăng trưởng vượt bậc, đạt 65%. Website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến đạt 75%; Tỷ lệ DN tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử đạt 45%.

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng, hệ thống bán lẻ của Hà Nội hiện nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Hầu hết cơ sở vật chất hệ thống chợ xuống cấp nên không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và PCCC; một số địa bàn xã, phường không có chợ.

Để phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại, ngành Công thương Hà Nội đang kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống bán lẻ hiện đại. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương Hà Nội luôn hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng thương mại trên địa bàn TP nhất là các huyện ngoại thành.

Đồng thời khuyến khích các tổ chức mở rộng mạng lưới kinh doanh dịch vụ hiện đại gồm: TTTM, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng, máy bán hàng tự động… qua đó hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, văn minh để xây dựng Thủ đô không chỉ trở thành trung tâm thương mại lớn của cả nước, mà còn của khu vực Ðông Nam Á.