Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển hạ tầng giao thông: Ưu tiên danh mục đầu tư, linh hoạt dòng vốn

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh khó khăn trăm bề như hiện nay, Hà Nội cần một loạt những giải pháp thật sự đột phá để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đặc biệt, TP cần phải lựa chọn, xác định danh mục ưu tiên đầu tư; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế để tranh thủ tối đa các dòng vốn.

Tập trung cho hạ tầng giao thông khung
Hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội đang ngày càng quá tải trầm trọng. Bên cạnh nhiều nguyên nhân như tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số lớn, lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh… thì việc thiếu một bộ khung hạ tầng giao thông hoàn chỉnh đang là trở ngại lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Hạ tầng giao thông khung của Hà Nội bao gồm cả những tuyến đường vành đai, đường trục hướng tâm, liên khu vực; các đầu mối chính của giao thông tĩnh và đường sắt đô thị, có vai trò định hình toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của TP.

Đường Vành đai 3 đoạn Cầu Thăng Long - Mai Dịch. Ảnh: Phạm Hùng 
Ví dụ như các tuyến Vành đai: 2; 2,5; 3; 3,5; 4 và 5 - được coi là những hợp phần tối quan trọng, đáp ứng nhu cầu lưu thông cả trong nội bộ lẫn quá cảnh khu vực Hà Nội. Hay các bến xe khách liên tỉnh; bãi đỗ xe ngầm, nổi, cao tầng thuộc nhóm giao thông tĩnh, nhưng là đầu mối tiếp nhận, phân phối lượng lớn các chuyến đi bên trong và ra vào TP. Đường sắt đô thị cũng được coi là một hợp phần của giao thông khung vì nó đi kèm cả một hệ thống hạ tầng riêng, tín hiệu riêng; khối lượng trung chuyển trên mỗi chuyến của nó lớn gấp hàng trăm lần xe buýt, là “nguồn cung” trực tiếp và chi phối tần suất hoạt động của các phương thức vận tải công cộng khác.
Xác định được tầm quan trọng của hệ thống hạ tầng giao thông khung, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đã lên danh mục 8 nhóm với 45 công trình. Trong đó có: 6 dự án đường sắt đô thị; 7 dự án đường Vành đai; 9 cầu vượt sông Hồng, sông đuống; 5 dự án đường Quốc lộ; 7 dự án đường kết nối liên vùng; 5 công trình nhằm giảm thiểu UTGT; 8 dự án cải tạo, nâng cấp các nút giao thông lớn.

Danh mục này đã cho thấy sự lựa chọn, ưu tiên hợp lý của Hà Nội trong quá trình đầu tư, nâng cấp, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tập trung vào hoàn thiện trước những dự án, công trình giao thông khung có tính chất nền tảng, định hình cho toàn bộ mạng lưới. Nói cách khács thì TP đã chọn ra những công trình cần làm trước, ưu tiên sử dụng nguồn vốn khả thi hơn là ngân sách và vay ODA. Lựa chọn đó là hợp lý và cần thiết để phát huy tối đa hiệu quả mỗi đồng vốn chi cho kiến thiết hạ tầng giao thông.

Tám giải pháp trọng tâm

Bên cạnh việc sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư, công tác kêu gọi, quản lý, sử dụng nguồn vốn cho hạ tầng giao thông cũng cần được chú trọng; có thể khái quát thành 8 nhóm giải pháp cụ thể nhằm đem lại hiệu quả thiết thực.

Một là, sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời phát triển hợp lý các phương thức vận tải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của TP. Hai là, phân công trách nhiệm đầu tư và phối hợp đồng bộ tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông giữa TP Hà nội với cơ quan T.Ư cũng như các tỉnh lân cận theo hướng: Bộ GTVT đầu tư và quản lý, đầu tư các tuyến đường có tính chất giao thông liên vùng; Hà Nội và các tỉnh lân cận đầu tư các công trình thuộc địa bàn quản lý. Trong đó TP Hà Nội cần ưu tiên các tuyến đường kết nối giao thông giữa Thủ đô với các tỉnh lân cận.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện các quy định của TP về phân công, phân cấp quản lý, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như cơ chế, chính sách trong quản lý sử dụng nguồn vốn. Nên tăng cường phân cấp cho các quận, huyện có nguồn thu lớn, có năng lực về tổ chức quản lý đầu tư tốt để chủ động đầu tư nhằm hỗ trợ giảm tải áp lực ngân sách TP. TP tập trung đầu tư các tuyến đường kết nối liên huyện và đường sắt đô thị; ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho các tuyến đường hỗ trợ những địa phương còn khó khăn; bố trí đủ vốn cho các dự án quy hoạch làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư.

Bốn là, rà soát quỹ nhà, đất sau khi sắp xếp lại trụ sở các cơ quan đơn vị và cả những quỹ đất trước đây dự kiến bố trí làm đất đối ứng triển khai cho các dự án đầu tư theo hình thức BT, để chủ động triển khai lập quy hoạch tổ chức đấu giá tạo nguồn thu theo đúng quy định. Phát huy, tận dụng tối đa nội lực của các địa phương thông qua việc giao cho các địa phương chủ động xây dựng phương án và tổ chức đấu giá đất hai bên các tuyến đường mở mới để tái đầu tư cho địa phương.
Xây dựng cơ chế đầu tư theo hình thức TOD để khai thác quỹ đất tại các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị, tạo nguồn vốn đầu tư, quản lý khai thác vận hành các tuyến đường sắt đô thị. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội và trên cơ sở tổng kết đánh giá thực hiện đề xuất hoàn thiện cập nhật, bổ sung vào Luật Thủ đô.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện các quy định, thủ tục, cơ chế chính sách để tăng cường công tác giải phóng mặt bằng; bố trí, giao vốn và thanh toán linh hoạt đối với chi phí GPMB trong quá trình triển khai thực hiện các dự án. Sáu là, tiếp tục hoàn thiện các quy định, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, loại bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, trung tâm dịch vụ hành chính công… tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định.

Bảy là, tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Trung tâm xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch; Quỹ đầu tư Phát triển TP trong việc kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực GTVT. Tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm giới thiệu, thu hút các nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực GTVT. Tám là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư và quản lý vốn đầu tư nhằm nâng cao năng lực các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng, đảm bảo hiệu quả cũng như kịp thời chấn chỉnh các tồn tại.

Tổng mức đầu tư dự kiến (không bao gồm các dự án do Bộ GTVT đầu tư và công trình thực hiện theo hình thức hợp đồng BT đang triển khai dở) là 280.990 tỷ đồng. Nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn 2021 - 2025 là 170.571 tỷ đồng, trong đó, ngân sách TP dự kiến đáp ứng 139.427 tỷ đồng; vốn vay ODA là 31.144 tỷ đồng. (Minh Tường)