Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông trong Luật Thủ đô 2024

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Thủ đô 2024 là một trong những khung chính sách bản lề có ý nghĩa đặc biệt thúc đẩy giao thông Hà Nội đồng bộ. Luật kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thực tiễn, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông...

Tạo cơ chế đột phá nhằm chuyển đổi giao thông xanh

Thủ đô Hà Nội có được bộ luật cho riêng mình thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước đối với sự phát triển của Thủ đô. Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua được xem như kim chỉ nam để Thủ đô bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Xe buýt điện hoạt động trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Xe buýt điện hoạt động trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Luật Thủ đô 2024 gồm 7 chương với 54 điều (so với Luật Thủ đô năm 2012 nhiều hơn 3 chương và gấp đôi về số điều luật). Luật Thủ đô 2024 có nhiều điểm đổi mới và tầm nhìn đột phá, tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; đặc biệt là với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra.

Đáng chú ý, trong Luật Thủ đô 2024 quy định về sự phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông (Điều 30; điểm a khoản 1 Điều 42).

Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024  của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 xác định nhiệm vụ: “Đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị. Phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt và đường sắt đô thị gắn với lộ trình và cơ chế đột phá nhằm chuyển đổi giao thông xanh”.

Điều 30 Luật Thủ đô năm 2024 quy định phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông trên cơ sở kế thừa cơ bản nội dung Điều 18 Luật Thủ đô năm 2012, đồng thời bổ sung quy định phân quyền mạnh hơn cho HĐND TP Hà Nội trong việc ban hành các chính sách, giải pháp đặc thù, đột phá.

Cụ thể: Chính sách đầu tư và huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển, bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, các công trình ngầm công cộng trên địa bàn TP (khoản 1 Điều 30);

Chính sách phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác đường sắt đô thị, xe buýt, nhà ga, bến xe, bãi đỗ xe ô tô và sử dụng các phương tiện giao thông phát thải thấp; hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vào khu vực trung tâm để giảm ùn tắc giao thông, giảm phát thải; áp dụng phí giảm ùn tắc giao thông (khoản 2 Điều 30). Thu hút nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư phát triển đường sắt đô thị, giao thông công cộng khối lượng lớn nội vùng và liên vùng (điểm a khoản 1 Điều 42).

Chính sách phát triển đường vành đai, trung tâm logistic, hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn TP và kết nối với các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô (khoản 3 Điều 30).

Khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải (khoản 4 Điều 30).

Chính sách quản lý, khai thác đường đô thị, đường sắt đô thị, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, văn minh đô thị (khoản 5 Điều 30).

Khuyến khích xây bãi đỗ xe

Thiếu quỹ đất dành cho giao thông, hoàn thiện hạ tầng giao thông, thiếu bãi đỗ xe... là những vấn đề đang đặt ra cho giao thông tại Hà Nội. Đây cũng là nội dung từng được nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội đề xuất khi góp ý xây dựng Luật Thủ đô.

Luật Thủ đô 2024 là cơ hội để Thủ đô xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, nhanh chóng giải quyết được vấn nạn thiếu bãi đỗ xe...
Luật Thủ đô 2024 là cơ hội để Thủ đô xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, nhanh chóng giải quyết được vấn nạn thiếu bãi đỗ xe...

Các chuyên gia cho rằng, nếu giao thông hiện đại, xã hội sẽ hiện đại; do đó, phải quan tâm tới giao thông ở Hà Nội, đặc biệt là giao thông tĩnh. Giải quyết giao thông tĩnh ở Hà Nội đạt khoảng 10%, còn 90% lượng xe đỗ tại các bãi đất trống, đất xen kẽ, đất dự án chậm triển khai, các khu vực công cộng, như lòng đường, vỉa hè, bãi xe trong các bệnh viện, trường học, công viên...

Các chuyên gia cũng đề xuất, phải khuyến khích làm nhà đỗ xe, ngoài chính sách ưu tiên về đất đai cũng phải có chính sách ưu tiên về cách phát triển nhà để xe. Ví dụ như xem nhà để xe như một trung tâm thương mại, như một chung cư, có thể xem như tài sản hình thành trong tương lai. Phải có chính sách rõ ưu tiên về đất và cho phép doanh nghiệp xây dựng nhà để xe được kinh doanh như là tài sản hình thành trong tương lai.

Dưới góc nhìn của một người dân, anh Trần Văn Tiến (trú tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) mong muốn Luật Thủ đô 2024 là cơ hội để Thủ đô xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, nhanh chóng giải quyết được các vấn nạn ùn tắc, thiếu bãi đỗ xe... như hiện nay.

Trong khi đó, ở góc độ liên quan đến môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho hay, thời gian qua, đã có nhiều kiến nghị của các nhà tài trợ, chuyên gia nghiên cứu đề xuất tăng cường hệ thống giao thông công cộng xanh, nhưng TP còn thiếu số lượng xe buýt cũng như tuyến kết nối; còn nhiều xe chạy bằng diesel, trong khi nghiên cứu khoa học cho thấy, xe chạy bằng diesel gây ra nhiều khí thải gây ô nhiễm môi trường. Do đó, việc chuyển sang xe buýt xanh là xu hướng tất yếu.

"Với mục tiêu năm 2035 chuyển sang 100% xe buýt xanh, tôi nghĩ rằng hành trình này không phải của tương lai xa, mà đang diễn ra, và cần diễn ra càng sớm càng tốt, vì đây là yêu cầu tất yếu khi có hạ tầng rất phát triển của các doanh nghiệp như Vingroup. Hơn nữa, theo Luật Thủ đô 2024, ở các vùng phát thải thấp, sẽ có những vùng hạn chế việc ô nhiễm do xe máy, ô tô gây ra. Cùng với nhận thức của người dân, việc chuyển sang xe buýt xanh là xu hướng tất yếu" - ông Hoàng Dương Tùng nêu quan điểm.