Dự hội nghị có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng, đại diện Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL), Sở VH&TT Hà Nội và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội.
Giữa bản sắc dân tộc qua mái ấm gia đình
Với vị thế Thủ đô ngàn năm văn hiến, Hà Nội không chỉ là nơi hội tụ tinh hoa dân tộc mà còn là biểu tượng đại diện cho bản sắc, hình ảnh và sức mạnh mềm của quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2023 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" đã xác định xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, tiến hành thường xuyên.
"Tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phù hợp với bối cảnh mới với phương châm cụ thể, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện. Việc xây dựng các chuẩn mực và tiêu chí người Hà Nội không chỉ nhằm nâng cao đời sống văn hóa của Nhân dân mà còn góp phần gia tăng sức cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế của Thủ đô. Đồng thời, đây cũng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự đoàn kết, đồng thuận xã hội và phát triển bền vững" - bà Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội lớn nhưng cũng đối diện với không ít thách thức. Sự giao thoa giữa các giá trị truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và ảnh hưởng quốc tế đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng một hệ giá trị con người phù hợp với thời đại, đồng thời khẳng định tính đại diện của Thủ đô đối với cả nước.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, song song với những giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục được bảo tồn, duy trì và phát triển thì mô hình gia đình nông thôn trong xu thế hội nhập mở cửa vẫn còn những hạn chế. Đó là một số hủ tục vẫn còn tồn tại, tục trọng nam khinh nữ hay việc du nhập những nét văn hóa ngoại lai không có kế thừa chọn lọc cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến quan hệ, tinh thần lối sống…
"Cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, biểu dương khen thưởng các gia đình văn hóa tiêu biểu, duy trì công tác khuyến học khuyến tài và các mô hình gia đình văn hóa hạnh phúc, phát triển kinh tế… Đồng thời xây dựng một số mô hình gia đình văn hóa truyền thống tiêu biểu và tôn vinh vị trí vai trò của người phụ nữ trong các gia đình nông thôn truyền thống trong phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái và giữ gìn bản sắc văn hóa của quê hương" - ông Lê Đại Thăng cho biết.
Ban Tổ chức đã nhận được 46 bài viết của các quận, huyện, thị xã; chuyên gia, nhà khoa học, đại điện Sở VHTT&DL các tỉnh, thành Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Trong khi đó, đồng tình với những ý kiến của thị xã Sơn Tây, đại diện huyện Sóc Sơn cho rằng, để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn trong gia đình phù hợp với yêu cầu của nếp sống công nghiệp, đô thị hiện đại, chúng ta cần nêu cao vai trò trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị và các thành viên gia đình trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Cùng với đó, cần chú trọng phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, vai trò của họ hàng, dòng họ, đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh. Đặc biệt lưu ý tiêu chí không có bạo lực gia đình, không lạm dụng rượu bia, không có tệ nạn cờ bạc, ma túy, bổ sung việc thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình để xét công nhận gia đình văn hóa hàng năm.
Lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư Thủ đô
Nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội là kết quả của quá trình phát triển lịch sử lâu dài. Vùng đất kinh đô Thăng Long - Hà Nội được tạo dựng, đắp bồi, giữ gìn, tôn tạo, dựng xây bởi di sản văn hóa đồ sộ vô giá, nơi hội tụ văn hóa mọi miền để chắt lọc, kết tinh trong chiều sâu cốt cách con người Hà Nội, mang nét đặc trưng riêng của văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài.
Buổi tọa đàm được tổ chức đã đánh giá thực trạng, nhận diện rõ những ưu điểm và hạn chế trong việc xây dựng hình ảnh người Hà Nội hiện nay để đưa ra những đề xuất tiêu chí cụ thể trên cơ sở thảo luận và thống nhất các chuẩn mực, tiêu chí mang tính thực tiễn cao, có thể đo lường, đánh giá, phù hợp với vị thế của Thủ đô.
Bên cạnh đó, toạ đàm cũng nhằm thúc đẩy triển khai đồng bộ khi các đại biểu đề xuất cơ chế, giải pháp để triển khai các chuẩn mực và tiêu chí một cách hiệu quả từ cấp TP đến cơ sở, đảm bảo tính thống nhất, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư Thủ đô.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Hà Nội ngày càng phát huy mạnh mẽ các giá trị con người trong việc tạo thành nguồn lực nội sinh để phát triển Thủ đô.
"Hà Nội có rất nhiều tài sản có giá trị nhưng không biết phát huy, không sáng tạo sẽ rất lãng phí. Để văn hóa Hà Nội đi đầu, gương mẫu thì không có cách nào ngoài xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phải có các tiêu chí mới để đóng góp nhiều hơn nữa cho Hà Nội và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng nhấn mạnh.
Năm 2022, UBND huyện Ba Vì phát động cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ, sáng, xanh, sạch đẹp an toàn” gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu có sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng. Cuộc thi đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực khơi dậy tinh thần đoàn kết, nét đẹp văn hóa của người dân Ba Vì trong xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Ba Vì Ưng Thị Thu Hiền