Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển kinh tế đô thị Hà Nội: Động lực từ chính sách

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ Chính trị vừa ra Nghị quyết 06/NQ-TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai Nghị quyết này.

Kinh tế đô thị còn nhiều dư địa

Hiện nay phát triển đô thị hóa, TP thông minh, liên kết vùng đô thị… trong phát triển các TP, Thủ đô đang là xu hướng chung của thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Ở Việt Nam, xu hướng phát triển đô thị và TP thông minh đã và đang bắt đầu khởi sắc. Các TP như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đã có những bước tiến dài trong sự phát triển kinh tế, là trụ cột có tính lan tỏa trong vùng kinh tế trọng điểm.

Hà Nội được xác định là đô thị đặc biệt. Trong những năm qua, các hoạt động kinh tế tại khu vực đô thị có nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của Thủ đô. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế ở khu vực đô thị chưa thật sự phát huy được lợi thế, vai trò động lực, thu hút, lôi kéo hoạt động kinh tế khu vực nông thôn và chung của cả TP. Các nguồn lực như đất đai, tài chính, lao động, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… trong khu vực đô thị chưa được huy động và khai thác đồng bộ, có hiệu quả vào phát triển kinh tế đô thị Thủ đô.

Phân khu đô thị sông Đuống đoạn qua cầu Đông Trù. (Ảnh: Hạ Vũ)
Phân khu đô thị sông Đuống đoạn qua cầu Đông Trù. (Ảnh: Hạ Vũ)

Theo PGS.TS Trần Kim Chung - nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, quy mô kinh tế của Hà Nội rất lớn, diện tích lớn, dân số đông, đóng góp GDP vào ngân sách cả nước lớn… Vì vậy, kinh tế đô thị Hà Nội còn có cơ hội phát triển lớn trong thời gian tới.

Đặc biệt, tại Nghị quyết 06/NQ-TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai Nghị quyết này, cùng với Chương trình 03 của Thành ủy. Có thể thấy, đây là những thuận lợi cho Hà Nội phát triển kinh tế đô thị trên địa bàn.

“Hà Nội có điều kiện thuận lợi là vậy, nhưng TP có nắm bắt được cơ hội và phát triển đúng yêu cầu đặt ra hay không; Nguồn lực của Hà Nội có được huy động để sử dụng hiệu quả cho việc phát triển kinh tế đô thị cũng như phát triển Hà Nội hay không bởi quy mô càng lớn quản lý càng đòi hỏi cao hơn” - PGS.TS Trần Kim Chung đặt vấn đề.

Phân tích về các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đô thị Hà Nội, TS Lê Văn Hoạt – Nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, có 3 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đô thị Hà Nội, gồm nhân tố thuộc về điều kiện tự nhiên – kinh tế - xã hội; Nhóm nhân tố thuộc về đặc điểm của đô thị; Nhóm nhân tố thuộc về môi trường thể chế.

Dựa trên xu hướng phát triển kinh tế của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tình hình chính trị - xã hội trên thế giới hiện nay; chủ trương và định hướng phát triển kinh tế đất nước trong chiến lược phát triển kinh tế 10 năm giai đoạn 2021 – 2030; Đặc điểm và những nét đặc thù của Thủ đô và định hướng chung phát triển kinh tế của Thủ đô. Theo đó, định hướng phát triển kinh tế đô thị sẽ phải theo hướng “nhanh, hiệu quả và bền vững” là hướng chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình quản lý và vận hành.

Tăng trưởng theo hướng xanh – sạch

Để phát triển kinh tế đô thị nhanh và bền vững, theo TS Lê Văn Hoạt, tăng trưởng kinh tế Hà Nội phải dựa trên sự kết hợp một số hướng đó là tăng trưởng sạch, xanh. Cụ thể, cần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị theo hướng phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực sản xuất sạch, an toàn, thân thiện môi trường; Nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, thể thao, du lịch và các ngành dịch vụ có sức cạnh tranh cao.

Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền kinh tế tri thức, triệt để khai thác các thành tựu của khoa học, công nghệ và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Tăng trưởng kinh tế dựa trên hệ thống đô thị thông minh được liên kết theo chuỗi đô thị và sự liên kết giữa kinh tế đô thị với kinh tế khu vực nông thôn vùng phụ cận.

Kết hợp giữa tăng trưởng theo chiều rộng với tăng trưởng theo chiều sâu. Các ngành lĩnh vực trọng tâm trong phát triển kinh tế đô thị TP giai đoạn 2021 – 2030 gồm công nghệ thông tin, thương mại điện tử, du lịch, kinh doanh, bất động sản, xây dựng nhà ở và hạ tầng, dịch vụ vận tải…

Đưa ra góc nhìn từ chính sách để phát triển kinh tế đô thị Hà Nội, PGS.TS Trần Kim Chung cho rằng, cần xem xét kiến nghị chính sách phát triển kinh tế cho Hà Nội. Bên cạnh xem xét đặc thù của Thủ đô còn cần xem xét bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến quá trình phát triển kinh tế nói chung, kinh tế đô thị Hà Nội nói riêng.

Theo PGS.TS Trần Kim Chung, phát triển đô thị tại Việt Nam luôn gắn liền với các yêu cầu về phát triển bền vững, cân đối hài hòa giữa kinh tế và môi trường; đảm bảo tính hiệu quả trong đầu tư xây dựng. Để đạt được các yêu cầu đó thì đô thị phải hội tụ đầy đủ nguồn lực cần thiết từ nội tại bản thân của đô thị. Chính quyền đô thị phải thúc đẩy được môi trường sống tốt và có năng lực cạnh tranh cao. Đây có thể coi là định hướng giúp hoạch định các giải pháp điều chỉnh về quản lý phát triển đô thị, quy hoạch. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải nghiên cứu, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, mang tính dẫn dắt, định hướng cho hoạt động phát triển của đô thị.

“Chính sách phát triển kinh tế đô thị là một trọng tâm, trọng điểm đồng hành với chính sách phát triển kinh tế mỗi quốc gia. Suy cho cùng, chính sách phát triển kinh tế tạo ra sản phẩm đối ngẫu là sự phát triển đô thị” - PGS.TS Trần Kim Chung nêu quan điểm.

Do vậy, về dài hạn, mọi chính sách đều có định hướng phát triển kinh tế đô thị và phát triển đô thị. Tuy nhiên, có chính sách có tác động gián tiếp và có chính sách chỉ có tác động trong dài hạn.

Mọi phát triển kinh tế của quốc gia đều có hình bóng tại Thủ đô nhưng có những sự phát triển kinh tế của Thủ đô chưa chắc đã có ở bên ngoài Hà Nội. Vì vậy, Hà Nội chỉ cần tập trung vào những chính sách có yếu tố phát triển đô thị, còn lại những chính sách khác tự động có tác động đến phát triển kinh tế đô thị Hà Nội.