Phát triển kinh tế đô thị Hà Nội, làm gì để tạo bước đột phá?

Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội - ThS.KTS Lã Hồng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu vực đô thị là nhân tố then chốt quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị.

Bài 1: Phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn

Bài cuối: Xác định rõ mục tiêu, ưu tiên các nguồn lực

Khu vực đô thị Hà Nội cũng đóng vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, giáo dục và y tế… Việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ tạo động lực cho đô thị phát triển kinh tế.

Xác định phát triển đô thị là hạt nhân

Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội, các đô thị trung tâm vùng trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị, nhất là tại các đô thị đặc biệt.

Quy hoạch đô thị để phát triển kinh tế Thủ đô. Ảnh: Phú Đức
Quy hoạch đô thị để phát triển kinh tế Thủ đô. Ảnh: Phú Đức

Thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn, đưa người dân ra các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, mô hình TP trực thuộc TP. Quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại các đô thị lớn, nhất là khu vực trung tâm.

Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ (loại V) và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch của Hà Nội.

Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định và phát triển các khu đô thị có vị trí, chức năng đặc thù nổi trội như về phát triển đại học, trung tâm sáng tạo, công nghiệp - đô thị - dịch vụ, cảng, sân bay,... và ban hành các cơ chế, chính sách phát triển riêng phù hợp của Hà Nội.

Đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của Hà Nội; nghiên cứu, đánh giá về nhu cầu và bảo đảm bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và kỹ thuật diện rộng, hạ tầng số trên địa bàn Hà Nội. Triển khai các chương trình, đề án tái thiết đô thị hiệu quả để nâng cao hiệu quả sử dụng đất cho phát triển kinh tế khu vực đô thị; khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng như vỉa hè trong phát triển kinh tế khu vực đô thị. Đẩy nhanh việc di dời có trật tự các cơ sở sản xuất chế biến, chế tạo thâm dụng lao động, trung tâm logistics đầu mối, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn cho người dân ra khỏi khu vực trung tâm các đô thị lớn; quy hoạch lại hệ thống bệnh viện, trường đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, trung tâm logistic, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, mạng lưới chợ dân sinh.

Phát triển kinh tế dịch vụ, các ngành công nghiệp chế tạo tiên tiến và có tính chiến lược, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao... tại các đô thị đặc biệt và các đô thị lớn của Thủ đô; phát triển kinh tế gắn với chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp nông thôn và phát triển dịch vụ xã hội tại các đô thị nhỏ của Thủ đô.

Khuyến khích phát triển các thị tứ, thị trấn nông - công nghiệp trên cơ sở các khu dân cư nông thôn hiện có trở thành các trung tâm dịch vụ, sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm, nguyên liệu, chuyển giao công nghệ... Ban hành các chính sách khuyến khích và nhân rộng các mô hình khu kinh tế, mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các khu vực đô thị. Khuyến khích các đô thị xây dựng thương hiệu gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế của đô thị.

Ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao

Cùng với đó, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tại các đô thị. Khuyến khích các đô thị hợp tác, xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo gắn với các sản phẩm chiến lược và thế mạnh của các địa phương trong vùng.

Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế, phí liên quan đến bất động sản nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả. Hoàn thiện hành lang pháp lý và mô hình tổ chức phù hợp để Nhà nước quản lý thị trường bất động sản, kiểm soát và sử dụng hiệu quả giá trị gia tăng từ đất khi hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư mở rộng và khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường nhằm tạo nguồn thu cho đô thị.

Tháo gỡ các vướng mắc về chính sách tạo động lực để huy động vốn đầu tư cho vùng Hà Nội. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô. Rà soát, xác định tỷ lệ nguồn thu giữ lại hợp lý hơn đối với Thủ đô Hà Nội để bảo đảm phát huy vai trò là đô thị động lực của cả nước, có cơ chế tạo nguồn thu, phân cấp ngân sách để lại cho các đô thị có kế hoạch nâng loại đô thị theo quy hoạch.

Phân quyền mạnh mẽ cho các chính quyền đô thị các khoản thu từ các loại thuế, phí. Thí điểm, tiến tới mở rộng phân cấp cho TP Hà Nội đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện được quyết định một số khoản thu đặc thù gắn với yêu cầu tăng cường trách nhiệm cung cấp dịch vụ đô thị.

Những giải pháp gợi mở trên sẽ là tiền đề để Hà Nội phát triển bền vững hơn và để khu vực đô thị khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế.

 

Triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, trong đó có các chương trình của Thành ủy Hà Nội, với những nhiệm vụ cụ thể: Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững; kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc T.Ư (TP Hà Nội) đạt bình quân 25 - 30% vào năm 2025, 35 - 40% vào năm 2030; xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.