Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (NQ04) đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và có sự chuyển biến tích cực.
Đến nay, trong 10 chỉ tiêu của NQ04 đã có 3 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra đến năm 2025. Điển hình là có 70% di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) của các dân tộc trong tỉnh nằm trong danh mục DSVHPVT quốc gia được bảo tồn và phát huy, vượt 20% so với NQ đề ra.
Xác định mo Mường là một trong những di sản cần bảo tồn, giữ gìn và phát huy trong đời sống cộng đồng, năm 2018, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mo Mường Hòa Bình giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo”. Tỉnh cũng gấp rút xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh mo Mường vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỉnh đã huy động nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc. Đặc biệt, tỉnh đã dành nguồn lực triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”, giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn, các Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Ngoài vốn sự nghiệp và vốn đầu tư công, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được huy động để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ kinh phí đầu tư cho bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của các dân tộc đang được tỉnh khuyến khích.
Cùng với đó, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng mô hình làng, bản văn hóa truyền thống dân tộc tại các địa phương hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa mang tính đặc thù, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là xu thế xây dựng các "bảo tàng sống” trong cộng đồng dân cư để bảo tồn và phát huy hiệu quả các di sản văn háo.
Các cấp, ngành đã nghiên cứu, sưu tầm phục hồi giá trị văn hóa các làng nghề truyền thống của dân tộc như: dệt thổ cẩm, nhạc cụ, dân ca, dân vũ, ẩm thực, rượu cần... góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Một số mô hình làng, bản văn hóa truyền thống dân tộc gắn với phát triển du lịch có hiệu quả tiêu biểu như: Bản Lác, bản Văn, bản Pom Coọng, bản Bước, bản Hịch (Mai Châu); xóm Đá Bia, xóm Ké, xóm Sưng (Đà Bắc); xóm Ngòi, xóm Chiến (Tân Lạc)…
Ông Đỗ Duy Sâm, Trưởng phòng Tuyên truyền và địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 đang được triển khai, trong đó có dự án thành phần là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Thông qua chương trình và lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khác, giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc luôn được quan tâm bảo tồn và phát huy.
Toàn tỉnh Hòa Bình hiện có 786 loại hình DSVHPVT của 5 dân tộc thiểu số: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cần được chú trọng để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, sẽ thực hiện mục tiêu phát triển du lịch, cũng như các mục tiêu chung về kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh.