Phát triển kinh tế hộ bằng vốn vay cho làng nghề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế hộ gia đình ở các vùng nông thôn huyện Thường Tín trong những năm gần đây phát triển khá mạnh, trong đó vốn cho vay từ ngân hàng là một trong những đòn bẩy quan trọng. Trên địa bàn huyện hiện nay có 9 ngân hàng thương mại và 6 quỹ tín dụng Nhân dân cơ sở.

Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, Ngân hàng NN&PTNT huyện Thường Tín vẫn thu hút được nhiều khách hàng với cơ chế cạnh tranh lành mạnh. Điểm mấu chốt là bám sát mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, vốn đầu tư tập trung vào vùng kinh tế hàng hóa ở các xã có làng nghề truyền thống. 
Phát triển kinh tế hộ bằng vốn vay cho làng nghề - Ảnh 1
Nghệ nhân thêu tay tại làng nghề Quất Động, huyện Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt
Xã Vạn Điểm là một xã thuần nông trước đây nhưng hiện đã chuyển mạnh sang chủ yếu làm nghề mộc với các sản phẩm đồ gỗ nội thất, bàn ghế, giường tủ. Gia đình anh Luyến là chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Vạn Phúc, mỗi năm bán ra thị trường 1.200 sản phẩm: Bàn ghế salon, giường tủ… với doanh thu từ 15 - 16 tỷ đồng. Từ nguồn vốn ban đầu vay Ngân hàng NN&PTNT khoảng 2 tỷ đồng, đến nay, xưởng sản xuất đồ gỗ của anh tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động, thậm chí vào thời vụ có lúc lên đến 100 người, lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, lao động có tay nghề cao thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Được
Với 28 xã và một thị trấn, kinh tế huyện Thường Tín hiện phát triển khá mạnh, hình thành hơn 40 làng nghề với nhiều loại sản phẩm như sơn mài, đồ gỗ nội thất, chăn ga, gối đệm.
biết, hiện nay, trên địa bàn xã Vạn Điểm, lượng vốn các ngân hàng cho vay khoảng 74 tỷ đồng để các hộ phát triển làng nghề. Cùng với việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người dân cũng đang ngày một được nâng cao so với làm nông nghiệp trước đây.

Riêng trong 3 năm qua, Ngân hàng NN&PTNT huyện Thường Tín đã thu hút được rất nhiều khách hàng có phương án sản xuất, kinh doanh tốt với cơ chế cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện và hỗ trợ khách hàng như không thu phí thẩm định, không thu phí thu xếp vốn, không thu phí trả nợ trước hạn, khách hàng có nhu cầu vay vốn, hội đủ các điều kiện là ngân hàng cho vay ngay. Chính vì thế, tín dụng không ngừng được mở rộng, dư nợ đến cuối năm 2014 đạt 1.047 tỷ đồng, chủ yếu là đầu tư vào kinh tế hộ nông dân làm nghề (chiếm đến 70%).

Trong khi đó, tại xã Tiền Phong với 5 thôn, 8 đội sản xuất (khoảng 3.000 hộ dân) nhưng có 3 làng nghề: Chăn, ga, gối, đệm ở thôn Trát Cầu; mộc dân dụng ở thôn Thượng Cung và nghề điêu khắc ở thôn Định Quán. Riêng làng Trát Cầu đã có 70 công ty được thành lập, số dư nợ vay ngân hàng của khu vực làng nghề này lên tới hơn 100 tỷ đồng. Theo anh Đỗ Duy Long, chủ một đại lý chăn ga, gối đệm lớn trong xã, từ nguồn vốn vay của ngân hàng đã giúp gia đình anh mở rộng kinh doanh trở thành đại lý lớn tiêu thụ sản phẩm do bà con làm ra. Cả thôn Trát Cầu có hàng trăm hộ làm nghề này, mỗi gia đình có từ 1 - 2 máy được nhập về, có máy lên đến gần 1 tỷ đồng, sản xuất tự động.

Trong khi đó, ở các thôn khác có nghề mộc, người dân thuê mở cửa hàng ở đường La Thành bán các mặt hàng như đồ thờ, cầu thang, giường tủ, thu nhập cũng khá. Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Dương Ngọc Minh cho biết, tập trung cho làng nghề đang là một trong những định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các kênh tín dụng, đặc biệt là nguồn vốn vay của các ngân hàng đã hỗ trợ các hộ gia đình, DN ở đây rất nhiều trong mở rộng sản xuất, kinh doanh. Điều này không chỉ mang lại nguồn thu cho ngân sách mà còn là điều kiện quan trọng giúp các tổ chức tín dụng gia tăng lợi nhuận cũng như hạn mức cho vay. Hiện, đa số các hộ dân làm nghề, DN ở đây có nhu cầu vay ngân hàng lên đến hàng tỷ đồng. Điều này cũng đòi hỏi các chính sách cho vay trong thời gian tới cần tạo thuận lợi hơn cho người vay, đặc biệt là các hộ dân làng nghề để phát triển sản xuất, đóng góp nhiều hơn cho phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần