Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển kinh tế song hành với tái tạo môi trường

Vũ Lê - Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tiến hành trao đổi và thảo luận với TP Yokohama và Sở Xây dựng Hà Nội để xây dựng chi tiết các hoạt động, phương pháp thực hiện cũng như trách nhiệm của 3 bên liên quan đến Dự án nâng cao năng lực quản lý các công trình thoát nước tại Hà Nội (giai đoạn 2).

Dự án dự kiến được thực hiện từ tháng 9/2017 - 8/2020 với kinh phí khoảng 60 triệu Yên. Nội dung hoạt động chủ yếu gồm: Vận hành và bảo dưỡng theo đúng quy trình tại Nhà máy xử lý nước thải Trúc Bạch. Kế hoạch xử lý bùn sẽ được thực hiện nhằm xử lý bùn thải phát sinh từ các công trình nước thải. Các hoạt động góp phần giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt được triển khai ở khu vực dự án.
Thách thức từ đô thị hóa

Với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, ô nhiễm nguồn nước sông hồ Hà Nội có dấu hiệu gia tăng. Ngoài ra, vùng đồng bằng ven sông Hồng, do tình trạng yếu kém của hệ thống thoát nước, ngập lụt xảy ra thường xuyên. Vấn đề làm thế nào để phát triển đô thị lại kiểm soát được ngập lụt vì thế rất quan trọng.
 Tô Lịch là một trong 4 con sông nằm trong hệ thống thoát nước chính của Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Các chuyên gia Nhật Bản đánh giá, điểm mạnh của TP Hà Nội là nắm giữ vai trò Thủ đô được ví như cực tăng trưởng chính, giàu nguồn lực thiên nhiên và văn hóa, nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Hà Nội cũng đối mặt với nhiều thiên tai, kết nối với thị trường toàn cầu còn hạn chế; tốc độ phát triển đô thị quá nhanh khiến nảy sinh nhiều vấn đề như tắc nghẽn giao thông, dân số, suy giảm môi trường, suy thoái cảnh quan đô thị…

Chính vì vậy, cuộc thảo luận giữa TP Hà Nội - Nhật Bản sẽ đưa ra những vấn đề để giải quyết. Hai bên có thể trao đổi những kinh nghiệm trong công tác xây dựng và quản lý đô thị. Với sự hỗ trợ của JICA về dự án Nâng cao năng lực quản lý các công trình thoát nước cho Hà Nội nhằm nâng cao năng lực quản lý các công trình thoát nước tại Hà Nội, việc xử lý nước thải sẽ được vận hành hợp lý và hiệu quả, môi trường sống của người dân được cải thiện.

Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, cùng với sự giúp đỡ của Nhật Bản, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP đã có nhiều công trình được hoàn thành. Trong đó có những dự án quan trọng như dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1, giai đoạn 2. Hệ thống thoát nước Hà Nội thuộc lưu vực sông Tô Lịch đã được cải tạo, nâng cấp cơ bản đáp ứng việc tiêu thoát nước cho khu vực trung tâm Hà Nội; dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá cùng hệ thống thu gom đang được triển khai xây dựng. Đồng thời, TP cũng tập trung kêu gọi các nguồn lực để thực hiện dự án Thoát nước lưu vực sông Nhuệ, Tây Nam quận Hà Đông, các nhà máy xử lý nước thải Phú Đô, Hồ Tây theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Bên cạnh việc đầu tư xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng công trình thoát nước, xử lý nước thải, vấn đề quản lý duy trì, vận hành phát huy hiệu quả của hệ thống cũng được Hà Nội xác định là nhiệm vụ cần thiết.

Tăng xử lý nước thải, giảm ngập úng

Ông Nomura Norihiko - Giám đốc Cục Sáng tạo Môi trường TP Yokohama nhấn mạnh, thông qua dự án, Yokohama sẽ tiến hành phân tích thực trạng và xác định vấn đề. Từ đó, chú trọng đánh giá các tiêu chuẩn và phương pháp giám sát liên quan việc vận hành và bảo dưỡng Nhà máy xử lý nước thải Trúc Bạch, nhằm đem lại sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và duy trì môi trường sinh thái. Tuy nhiên, các công đoạn duy tu, bảo dưỡng xử lý nước thải có khả năng làm phát sinh một lượng đáng kể bùn cặn. Để giải quyết vấn đề này, TP Yokohama sẽ sử dụng các công nghệ liên quan của các DN thành viên Hiệp hội DN ngành nước Yokohama nhằm giảm lượng bùn và tái xử lý bùn thải.

Theo các chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, chỉ tính riêng cho Hà Nội, với tổng công suất thực tế của 4 trạm xử lý nước thải Kim Liên, Trúc Bạch, Bắc Thăng Long, Yên Sở là 120.000m3 nước thải được xử lý mỗi ngày, hàm lượng cặn lơ lửng SS trong nước thải trung bình 72mg/l, BOD5 94mg/l (WB, 2013), lượng bùn phát sinh theo trọng lượng cặn khô đã là trên 10 tấn/ngày, thể tích bùn chưa xử lý là 350m3/ngày, hàm lượng nước lớn, các chất hữu cơ dễ bị phân hủy, gây hôi thối và làm ô nhiễm môi trường. Khâu xử lý bùn cặn chiếm một tỷ trọng lớn trong toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, việc củng cố hệ thống thoát nước, chồng úng ngập vì thế cũng là một vấn đề cấp bách đặt ra. Bởi, Hà Nội nằm ở khu vực Đồng bằng châu thổ sông Hồng, khả năng tiêu thoát nước mưa chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, ngập úng thường xuyên xảy ra. “Song song với việc ứng dụng các biện pháp phòng chống ngập lụt (các biện pháp cứng, các biện pháp mềm) của TP Yokohama, sẽ tiến hành hợp tác kỹ thuật như duy trì cơ sở dữ liệu thiết yếu trong việc mô phỏng tình trạng ngập lụt, và thực hiện mô phỏng ngập lụt trong khu vực mô hình tại Hà Nội” - ông Nomura Norihiko phân tích.

"Hà Nội vẫn còn thời gian để cải thiện tránh những tác hại tiêu cực đến môi trường. Khi nghiên cứu, chúng ta cần đứng trên nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là vấn đề nhân lực. " - Giám đốc Cục Sáng tạo Môi trường TP Yokohama Nomura Norihiko