Phát triển kinh tế - xã hội tháng 5/2021: Tạo sức bật trong khó khăn

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù những khó khăn do đại dịch Covid-19 vẫn đang hiện hữu, nhưng những con số trong phát triển kinh tế - xã hội được đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 vẫn cho thấy những tín hiệu sáng. Đặc biệt, một vấn đề được nhiều ý kiến nhắc đến là niềm tin của người dân, DN vào công tác phòng, chống dịch, đây là một động lực quan trọng để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tiếp theo.

Phát triển kinh tế - xã hội tháng 5/2021: Tạo sức bật trong khó khăn. Ảnh: Tuấn Anh
Từ những con số cho thấy, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư nước ngoài... Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, tăng 8,8%; xuất khẩu đạt trên 130 tỷ USD; thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 50% dự toán năm... Đó là những thành quả rất đáng mừng trong điều kiện hiện nay.
Nhìn từ khối DN, được coi là trụ cột chính của nền kinh tế, thống kê cho thấy, số DN thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2021 là trên 55.700 DN, tăng 15,4% so với cùng kỳ trước. Sự gia tăng này thể hiện niềm tin và sự kỳ vọng của cộng đồng DN đối với triển vọng phát triển kinh tế thời gian tới. Cùng với đó, số DN quay trở lại hoạt động trong 5 tháng qua cũng ở mốc trên 22.000, cho thấy sự phục hồi đang dần hiện hữu. Như chính các DN đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy, đưa ra các chính sách toàn diện về tài khoá, tiền tệ, bảo hiểm… như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng… Việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng DN. Cùng với đó, những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh được dần tháo gỡ bằng hàng loạt các giải pháp, bằng sự chung sức, đồng lòng từ T.Ư đến địa phương, đã tạo thêm nguồn lực cho sự phát triển. Bản thân các DN cũng có sự chuyển đổi để thích ứng như chuyển đổi số, đào tạo kỹ năng cho người lao động bước vào cuộc chơi mới…

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng ấy, chính những con số cũng cho thấy không ít lo lắng khi số DN rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm DN có quy mô nhỏ. Như thống kê, trong 5 tháng qua, gần 60.000 DN đã rút khỏi thị trường, trong đó 50% là tạm ngừng kinh doanh. Điều đó cho thấy những tác động của dịch Covid-19 vẫn là một lực cản không nhỏ để thúc đẩy nền kinh tế.

Điều được người đứng đầu Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh hơn cả là sự chủ động, tích cực của các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ khó khăn, đối thoại và tạo điều kiện cho DN, nhà đầu tư. Các gói hỗ trợ của Chính phủ là cần thiết nhưng DN kỳ vọng sự hỗ trợ này phải triển khai càng nhanh, càng tốt, đến tay DN để tạo sức bật cho DN vượt khó. Đi kèm với sự hỗ trợ trực tiếp, rất cần sự hỗ trợ về cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức... để các chính sách được đánh giá hữu ích nhanh đi vào thực tiễn cuộc sống. Việc giúp các DN trụ vững, vươn lên sẽ tạo sức bật mới cho tăng trưởng. Đồng thời, hơn lúc nào hết, sự đoàn kết, chung sức đồng lòng vẫn luôn được nhắc đến, để phát huy hơn nữa, tạo ra sự cộng hưởng, động lực thúc đẩy quyết tâm hoàn thành tốt hơn nữa mục tiêu kép đã đặt ra.