Phát triển làng nghề cần cơ chế cụ thể

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 11/8, Ban Văn hóa xã hội HĐND TP Hà Nội đã giám sát tình hình thực hiện chính...

Kinhtedothi - Chiều 11/8, Ban Văn hóa xã hội HĐND TP Hà Nội đã giám sát tình hình thực hiện chính sách phát triển làng nghề từ năm 2009 đến nay tại huyện Chương Mỹ. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 175 làng có nghề trên tổng số 219 làng.

Trong đó có 34 làng có nghề được TP công nhận hoạt động chủ yếu ở 4 lĩnh vực là sản xuất hàng mây tre xuất khẩu, chế biến nông sản, sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, nón lá. Theo đánh giá của lãnh đạo UBND huyện, các làng nghề hoạt động ổn định nhiều năm qua và ngày càng mở rộng thị trường, tạo việc làm cho lao động địa phương với thu nhập bình quân của người lao động trong các làng nghề đạt từ 18 - 20 triệu đồng/người/năm. Vì vậy, đến nay, trên địa bàn huyện đã có 485 doanh nghiệp (DN) trong làng nghề và trở thành lực lượng nòng cốt để giữ vững phát triển làng nghề.
Nghệ nhân truyền nghề đan mây cho thế hệ trẻ tại làng Phú Vinh, huyện Chương Mỹ. Ảnh  Bá Hoạt
Nghệ nhân truyền nghề đan mây cho thế hệ trẻ tại làng Phú Vinh, huyện Chương Mỹ. Ảnh Bá Hoạt

Tuy nhiên, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Việc phát triển làng nghề trên địa bàn hiện còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về quy hoạch, nguồn nguyên liệu, vốn, nguồn nhân lực lại chủ yếu là người già, trẻ em và chưa có chính sách tôn vinh nghệ nhân, dẫn đến hạn chế thu hút đầu tư vào các điểm cụm công nghiệp làng nghề (mới lấp đầy được 65%). Cùng với đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng bị thu hẹp, biến động và tăng giá nguyên liệu đầu vào, tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề cũng chưa được giải quyết triệt để. Hiện, toàn huyện cũng mới xây dựng được thương hiệu tập thể mây tre đan Phú Nghĩa, còn lại chưa có thương hiệu riêng, phần lớn là làm gia công. 

Những vấn đề nêu ra cũng là nội dung được Đoàn giám sát đặt câu hỏi về trách nhiệm của UBND huyện trong việc tổ chức thực hiện các chính sách hiện hành của TP, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận chính sách. Ngay trong chuyện vay vốn, trong khi Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội Phạm Văn Vũ khẳng định, không có tổ chức tín dụng nào gây khó khăn cho các DN khi tiếp cận chính sách vay vốn ưu đãi phát triển làng nghề với mức lãi suất 8%. Nhưng theo lãnh đạo huyện Chương Mỹ, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cũng là một trong những khó khăn với người dân làm nghề và cho rằng "chưa có chương trình hay cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho các làng nghề". Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ như bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch, giải quyết ô nhiễm môi trường… cũng chưa đi vào cuộc sống.

Trưởng ban Văn hóa xã hội Nguyễn Thị Thùy cho rằng: Thực tế tại Chương Mỹ cho thấy, việc tiếp cận các chính sách phát triển làng nghề vẫn chưa thực sự được triển khai cụ thể. Huyện cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về làng nghề, giám sát chất lượng sản phẩm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hàng năm phát triển làng nghề thật sát thực tế để các chính sách bảo tồn, phát triển làng nghề được cụ thể hóa trong thực tiễn. Có kế hoạch cụ thể trong hỗ trợ các DN, hộ gia đình trong việc tìm kiếm nguyên liệu, đầu ra và xây dựng thương hiệu. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần