Hà Nội có gần 1.400 làng có nghề thủ công, với hàng trăm làng nghề được công nhận, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, Thành phố coi đây là nguồn lực quan trọng trong tiến trình phát triển Thủ đô. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hội nghệ nhân - thợ giỏi cần phát triển theo định hướng phát triển làng nghề phải gắn với bảo tồn, gắn với du lịch, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Nghề làm nón tại làng Chuông, huyện Thanh Oai. Ảnh: Văn Phúc
Theo nghệ nhân Vũ Mạnh Hải, Chủ tịch Hội, năm 2013, Hội sẽ chủ động tham gia các chương trình khuyến công, đào tạo nâng cao kỹ thuật, mỹ thuật cho hội viên; phối hợp với các sở, ngành triển khai các chương trình gieo cấy nghề cho các địa phương chưa có nghề.
Tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên của các ngành nghề tích cực sáng tạo, làm ra các sản phẩm mới, có giá trị kinh tế và thẩm mỹ cao tham gia Năm du lịch truyền thống các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Hải Phòng tổ chức tại Hà Nội. Nhân dịp đón năm mới Quý Tỵ 2013, Hội sẽ đóng góp, trưng bày các sản phẩm tinh hoa "Mừng Đảng, mừng Xuân" tại vườn hoa Lý Thái Tổ với những sản phẩm tinh xảo mới, độc đáo và đa dạng phục vụ nhân dân Thủ đô thưởng ngoạn.
Tại Hội nghị, UBND huyện Phú Xuyên và nghệ nhân Nguyễn Bá Năm đã tặng UBND TP Hà Nội bức "Chiếu dời đô" khảm ốc trên nền gỗ gụ thể hiện tình cảm của cán bộ và nhân dân làng nghề trong huyện với TP.
Chiều 2/2, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tổ chức lễ vinh danh các danh hiệu làng nghề Việt Nam 2011 - 2012. Trong 93 hồ sơ đề nghị xét tặng, Ban tổ chức đã chọn ra 74 hồ sơ đạt các danh hiệu, trong đó có 51 hồ sơ đạt danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam, 7 sản phẩm tinh hoa làng nghề, 7 đơn vị kinh tế tiêu biểu và 25 hội viên được nhận Bằng khen của Ban Chấp hành Hiệp hội. TP Hà Nội là địa phương có đông nghệ nhân được phong tặng nhất với tổng số 24 người (chiếm 47%), trong đó có cả nghệ nhân cao tuổi nhất và trẻ tuổi nhất.
Bá Trung
|