Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển lành mạnh thị trường hàng điện máy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường hàng điện máy thời gian gần đây, người tiêu dùng (NTD) trong nước cũng phải đối mặt với một loạt hành vi xâm phạm quyền lợi.

Thực trạng này đang đặt ra một yêu cầu cấp thiết phải thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ quyền lợi NTD mới mong bảo vệ quyền hợp pháp không chỉ của NTD mà của cả các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính.

"Thượng đế" thường xuyên bị… lợi dụng?

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường GFK, riêng trong quý I, doanh số tiêu dùng hàng điện thoại tăng gần 37% so với cùng kỳ năm 2013, tương đương 40% tổng chi tiêu sản phẩm điện tử tiêu dùng; nhóm sản phẩm ngành CNTT tăng tới 43%; sản phẩm điện tử điện lạnh gia dụng tăng trên 20%... Song song với sự tăng mạnh tiêu thụ, theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), hiện tượng DN vi phạm quyền lợi NTD trong lĩnh vực điện máy cũng gia tăng với các hành vi phổ biến như: "Thả mồi - câu cá", không thông báo rõ ràng đầy đủ chính sách đổi - trả sản phẩm, cung cấp thông tin sai hoặc gây nhầm lẫn về giá, khuyến mại (KM) tặng quà nhưng không thực hiện đúng, không bồi thường khi hàng có khuyết tật, bảo hành (BH) thiếu trách nhiệm…
 
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm ti vi tại Siêu thị điện máy HC Láng Hạ. 	 Ảnh: Việt Linh
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm ti vi tại Siêu thị điện máy HC Láng Hạ. Ảnh: Việt Linh

Tại Hội thảo "Bảo vệ quyền lợi NTD trong lĩnh vực điện máy" tổ chức tại Hà Nội ngày 30/7, ông Cao Xuân Quảng - Trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi NTD (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương) cho biết: Đơn vị thường xuyên nhận được phản ánh của NTD về việc giá bán sau KM cao hơn giá thị trường, chỉ rất ít sản phẩm bán với giá KM; chương trình KM tặng quà hoặc giảm giá với số lượng hạn chế nhưng thực tế không có quà tặng hoặc không thực hiện chương trình… Đồng thời, có nhiều DN áp dụng chính sách bảo hành BH không rõ ràng (BH trọn đời, chính hãng, phiếu BH đã ghi thông tin thì không được đổi mới sản phẩm…); DN từ chối trách nhiệm BH, không cung cấp đầy đủ hướng dẫn BH hoặc không thông báo chế độ BH cho linh, phụ kiện; trì hoãn thời hạn BH, không hoàn trả tiền hoặc không xác định rõ lỗi kỹ thuật…

Theo thống kê mới nhất từ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (Vinastas), nửa đầu năm nay, riêng Văn phòng tư vấn giải quyết khiếu nại của Hội tại Hà Nội đã tiếp nhận 29/78 trường hợp khiếu nại liên quan đến lĩnh vực điện máy. Ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Vinastas cho biết: "Có một hiện tượng tiêu cực là rất nhiều DN điện máy bán hàng có tính chất lừa dối NTD, cốt chỉ bán được sản phẩm mà không mấy quan tâm tới các dịch vụ sau bán hàng".

Hãy là người tiêu dùng thông thái!

Trước những phản ánh của NTD về tình trạng bị xâm phạm quyền lợi, ông Vương Ngọc Tuấn cho rằng, bên cạnh lỗi từ DN, một phần nguyên nhân cũng xuất phát từ chính NTD. "Tâm lý ham rẻ, sẵn sàng bỏ tiền ra mua hàng dù không biết rõ về chất lượng cũng như các thông tin về DN cung cấp… là tình trạng khá phổ biến" - ông Tuấn chia sẻ. 

Bên cạnh đó, đại diện các DN kinh doanh hàng điện máy, ông Trần Anh Tú - Phó Giám đốc bán hàng online của Siêu thị điện máy HC Hà Nội nhấn mạnh: Mặc dù các chính sách áp dụng hỗ trợ bảo vệ quyền lợi NTD được niêm yết rõ ràng trên hệ thống truyền thông của HC, nhưng trong quá trình triển khai, DN vẫn gặp phải không ít tình huống như: Khách hàng không đọc kỹ chính sách đổi - trả hàng (thường sản phẩm không được đổi - trả khi đã qua sử dụng, mở máy, bóc nhãn, tem…), không đọc kỹ chính sách về cách tính số ki lô mét giao hàng miễn phí, có trường hợp chương trình KM số lượng có hạn và khách hàng đến mua khi đã hết chương trình… "Những trường hợp này dẫn tình trạng nhiều khách hàng có khiếu nại vô lý với chúng tôi. Nhưng hầu hết khi có can thiệp của cấp quản lý hoặc trung tâm chăm sóc khách hàng thì đều giải quyết ổn thỏa theo hướng có lợi cho NTD" - ông Tú khẳng định. 

"Điều quan trọng là mỗi khi định mua sản phẩm gì, mỗi NTD hãy tìm hiểu kỹ thông tin về chất lượng, chế độ dịch vụ bán hàng và BH, về DN sản xuất cung cấp sản phẩm… Hãy trở thành NTD thông thái để có thể tự bảo vệ được quyền lợi cao nhất cho mình" - bà Trương Thị Thu Huyền - Trưởng phòng Marketing, Công ty LG Việt Nam đưa ra khuyến cáo.

 
Trong bối cảnh chiến lược phát triển của các siêu thị bán lẻ điện máy ở Việt Nam chưa được xây dựng bài bản, thì vai trò kiểm soát thị trường nội địa của cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường, hải quan cần được nâng lên một bước. Việc kiểm soát phải công bằng, minh bạch, không gây khó khăn cho quá trình kinh doanh một cách bình thường của các siêu thị".

Ông Vũ Vinh Phú  - Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội