Phát triển mạng lưới khách hàng cho vay tiêu dùng

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù các công ty tài chính đang đầu tư mạnh vào công nghệ để phát triển ngân hàng số cũng như giao dịch trực tuyến nhưng vẫn không ngừng mở rộng mạng lưới nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng chính thức tời người dân.

Những năm vừa qua, tín dụng tiêu dùng phát triển rất nhanh song vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu vay vốn của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Chưa kể, sự biến tướng của tín dụng đen cũng khiến cho nhiều người dân càng khó tiếp cận hơn với nguồn vốn tín dụng chính thức.

Mới đây nhất, tại buổi đối thoại của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với công nhân lao động sáng ngày 12/6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng bày tỏ trách nhiệm của NHNN khi người dân tiếp cận tín dụng đen mà không tiếp cận được nguồn vốn chính thức:"Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tín dụng toàn diện để tăng cường khả năng tiếp cận của người dân nói chung, công nhân và nông dân nói riêng".

Cũng theo ông Tú, NHNN đang hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các ngân hàng mạnh dạn cho vay với chủ trương là cho vay, phát triển thị trường nhỏ lẻ; thứ hai là sử dụng biện pháp công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho người vay tiếp cận nguồn vốn; tăng cường cho ngân hàng chủ động tiếp cận nhu cầu vay của người dân.

Với những chủ trương đó, cùng với tinh thần nâng cao chất lượng thị trường tài chính tiêu dùng, các công ty tài chính liên tục triển khai các biện pháp nhằm mở rộng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thống tới người dân như: Đẩy mạnh chuyển đổi số; đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực để mở rộng mạng lưới hoạt động; phát triển các sản phẩm cho vay đa dạng nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng và tạo điều kiện cải thiện đời sống kinh tế xã hội.

Trong đó, hoạt động mở rộng mạng lưới khách hàng được các công ty tài chính xác định phục vụ tối đa khách hàng mục tiêu cũng như gia tăng độ phủ sóng thương hiệu nhưng vẫn phải đảm bảo bài toán quản lý chi phí và lợi nhuận.

Tại FE CREDIT – công ty tài chính chiến thị phần lớn trong ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, đã và đang tập trung mở rộng mạng lưới trải dài trên toàn quốc với hơn 21.000 điểm bán hàng, 16.000 đối tác chiến lược và phục vụ hơn 13 triệu khách hàng trên toàn quốc. Riêng trong năm 2021, số lượng khách hàng hiện hữu của công ty đã tăng lên gần 6 triệu người, gấp 1,6 lần so với năm trước.

Quay về 11 năm trước đây, khi mô hình vay tiêu dùng vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ với người dân, FE CREDIT đã nhận thức rõ nếu muốn tín dụng tiêu dùng trở nên gần gũi hơn với người dân thì phải đặt mục tiêu phát triển mạng lưới, tiếp cận sâu rộng đến khách hàng, đặc biệt là người dân ở các địa bàn xa. Tính đến cuối năm 2021, công ty đã có hơn 21.000 điểm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ trên khắp cả nước.

Để gia tăng thêm các kênh tiếp cận tới khách hàng, công ty cũng mở rộng hợp tác chiến lược với rất nhiều đối tác lớn nhỏ. Khách hàng của FE CREDIT có thể dễ dàng vay mua hàng trả góp và tiếp cận các sản phẩm tài chính của thông qua các cửa hàng phân phối, đại lý hàng hóa phủ rộng như Viettel, Thế giới di động, FPT Shop…

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu tiếp cận vốn vay của người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, FE CREDIT đã nhanh chóng mở rộng dịch vụ cho vay tiêu dùng của mình thông qua hệ thống hơn 10.000 Bưu cục/Điểm bưu điện Văn hóa xã của Tổng Công Ty Bưu Điện Việt Nam (VNPost) trên cả nước.

Dù đã sở hữu một lượng lớn khách hàng nhất định nhưng đối với FE CREDIT, hoạt động mở rộng mạng lưới khách hàng luôn là chiến lược quan trọng trong việc giữ thị phần, tăng trưởng lợi nhuận cũng như tăng cường độ phủ thương hiệu, đặc biệt là sau sự gia nhập chính thức của đối tác chiến lược Nhật Bản vào công ty tài chính này.

Đại diện FE CREDIT cho biết: “Trong thời gian tới, cùng sự tham gia của cổ đông lớn SMBC, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội mở rộng mang lưới khách hàng, cung cấp các dịch vụ tài chính cho người lao động tại các doanh nghiệp Nhật Bản”.

Được biết, Báo cáo khảo sát từ Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) mới đây cho thấy có 4.600 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại gần 20 thị trường nước ngoài, trong đó có 700 doanh nghiệp ở Việt Nam. Cũng theo khảo sát này, Việt Nam đứng đầu ASEAN về tỷ lệ doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng hoạt động 1-2 năm tới, chỉ hơn 2% doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoặc rời đi.

Cũng trong buổi đối thoại, FE CREDIT là một trong hai đơn vị nhận chỉ đạo từ Phó Thống đốc và cam kết hỗ trợ gói 10.000 tỷ với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để cho vay tất cả nhu cầu chính đáng của công nhân. Công ty tài chính hi vọng với sự hỗ trợ này cùng với sự phối hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sẽ giúp người dân có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng chính thức, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về các kênh cho vay hợp pháp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần