Phát triển năng lực vận tải xe buýt: Tối ưu hóa hạ tầng giao thông

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sử dụng làn đường riêng, phục vụ cho xe buýt nhằm tạo hành lang phát triển vận tải hành khách công cộng đã được Hà Nội áp dụng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, cần chấm dứt sự nửa vời trong quy hoạch mới mong mạng lưới xe buýt đạt kết quả như kỳ vọng.

Xung đột giao thông

Vào trung tuần tháng 2/2022, hệ thống camera giám sát giao thông Hà Nội đã ghi nhận đến hơn 100 hình ảnh xe ô tô vi phạm đi vào đường dành riêng cho xe buýt nhanh (BRT). Số lượng này chiếm đến 2/3 trường hợp vi phạm bị camera giám sát giao thông ghi nhận. Điều đáng nói, hành vi điều khiển ô tô đi vào làn đường BRT đã được lực lượng chức năng tuyên truyền, cảnh báo trong suốt thời gian dài.

Buýt nhanh BRT hoạt động trên đường Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Buýt nhanh BRT hoạt động trên đường Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội cũng khuyến cáo người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường cần phải chấp hành hệ thống biển báo hiệu, đi đúng phần đường, làn đường, đúng Luật Giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông, đồng thời tránh bị xử phạt.

Mặt khác, phần lớn tài xế đều hiểu rằng sẽ bị xử lý khá nặng nếu vi phạm. Cụ thể là phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng, ngoài ra còn áp dụng hình thức xử lý bổ sung tước Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng nhưng vẫn có đến hàng trăm trường hợp vi phạm mỗi tuần khiến dư luận phải đặt câu hỏi vì sao người dân biết, song vẫn cố tình đi vào làn dành riêng cho xe buýt?

Chị Tạ Hồng Hạnh (38 tuổi, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Tôi lưu thông hàng ngày trên tuyến đường Tố Hữu, nơi có làn dành cho xe BRT và đôi khi vẫn đi vào phần đường này. Ví dụ vào giờ cao điểm, xe cá nhân xếp hàng dài nhưng phải nhường tới một nửa phần đường cho xe BRT trong khi đến 20 phút chưa có chuyến nào chạy qua nên nghĩ rằng đi vào sẽ không có vấn đề gì”.

Không ít ý kiến cũng cho rằng, việc dành phần lớn diện tích đường cho làn BRT nhưng hiệu quả khai thác không cao sẽ khiến người dân bức xúc. Qua đó, nhiều người kiến nghị TP Hà Nội cần xem xét tăng cường năng lực vận tải của xe buýt và dứt điểm dẹp bỏ bất cập ở các làn ưu tiên nếu tiếp tục không đạt tín hiệu tốt. Được biết, hiện UBND TP Hà Nội đang đánh giá, nghiên cứu những ưu, nhược điểm của tuyến BRT để đề xuất tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt tại tuyến đường có nhiều làn xe; số lượng tuyến và lưu lượng xe buýt lớn.

Cần thực hiện quyết đoán hơn

Nhiều ý kiến cho rằng, xe buýt BRT hiện không đạt được hiệu quả nhưng được ưu tiên hẳn một làn đường riêng là “đặc quyền” quá lớn, dẫn đến tâm lý kỳ thị với loại hình BRT nói riêng và vận tải hành khách công cộng nói chung nếu mô hình tiếp tục được mở rộng. Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải khẳng định: "Việc mở làn riêng cho xe buýt có thể sẽ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, Hà Nội cần một giao thông đô thị sống động và an toàn. Chúng tôi cho rằng, chỉ giao thông công cộng mới có thể làm được điều đó”.

Thực tế hiện nay, ngoài tuyến BRT 01, xe buýt Hà Nội đang phải lưu thông cùng với các loại hình phương tiện khác, chịu chung áp lực, xung đột giao thông, dẫn đến thời gian hành trình chưa đáp ứng được kỳ vọng. Thiếu làn đường riêng khiến xe buýt không thể phát huy tối đa hiệu quả, khó lòng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Chưa kể, những tiềm ẩn về ATGT rất dễ xảy ra khi các điểm đỗ của xe buýt có xung đột lớn với phần đường cho người đi xe gắn máy, xe thô sơ và càng khiến cho hình ảnh xe buýt trở nên xấu xí với người dân.

Một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra chính là việc quy hoạch đô thị không gắn với mạng lưới vận tải hành khách công cộng. Đây là một vấn đề rất đáng lưu tâm trong quá trình quy hoạch, phát triển đô thị Thủ đô. Do đó, với kế hoạch mở mới các làn ưu tiên xe buýt, nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội phải quyết đoán, phải dứt khoát thực hiện, không thể cứ lựa chọn, nghe ngóng mãi rồi lại lãng quên hoặc né tránh.

Theo chuyên gia giao thông đô thị Đỗ Cao Phan, trước mắt, để tối ưu hạ tầng với đặc thù đường ngang, ngõ tắt, giao cắt rất nhiều như tại Hà Nội, cần sớm có ngay các cầu vượt nhẹ, làn đường ưu tiên để xe buýt tránh xuyên qua nút giao, hạn chế tối đa xung đột với làn đường khác. Thứ hai, các chính sách liên quan đến việc giảm phương tiện cá nhân phải thực hiện song song, triệt để.

 

"Hà Nội đang từng bước triển khai 6 nhóm giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông, trong đó chú trọng đến biện pháp tổ chức giao thông hợp lý, quy định về tuyến đường, phân loại. Song song với phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân để giảm bớt số phương tiện giao thông cùng lúc." - Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện