Lợi cả đôi đường
Sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, Chính phủ đưa ra dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân, phấn đấu đến năm 2023 hoàn thành ít nhất khoảng 1 triệu căn NƠXH.
Đáng chú ý, là đề xuất Quốc hội bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án NƠXH, nhà ở công nhân vay. Cụ thể, đối với chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân, dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án vay ưu đãi. Đối với người mua 2 loại hình trên dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho khách cá nhân là người mua, thuê mua.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này là cần thiết để tăng
"Với giá vật liệu xây dựng như thép, cát... đang có chiều hướng tăng như hiện nay có thể sẽ kéo tăng giá thành mỗi mét vuông nhà ở. Với người lao động có thu nhập thấp, chi phí chi trả phần lớn vào sinh hoạt sẽ càng khó có khả năng mua được nhà nên cần phát triển nhiều hơn quỹ nhà ở cho thuê, chính sách thuê cũng phải linh hoạt hơn..."
Chuyên gia vật liệu xây dựng, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung
nguồn cung NƠXH, giúp giảm tình trạng mất cân đối cung – cầu trên thị trường bất động sản. Cùng với gói tín dụng trên, NHNN đã họp với 4 ngân hàng: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank. Các ngân hàng này cũng thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
"Chúng tôi sẽ thông báo cho những ngân hàng khác nếu tham gia thì gói này có thể được nhiều hơn. Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia bị thiếu hụt về thanh khoản, NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho để triển khai tiếp” - bà Nguyễn Thị Hồng cho hay.
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu gói tín dụng mới được chấp thuận, phân khúc nhà dành cho công nhân, người thu nhập thấp sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Chuyên gia vật liệu xây dựng, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung cho biết, đây là luồng sinh khí mới khi thị trường bất động sản ấm trở lại sẽ lan tỏa các ngành nghề khác, đặc biệt liên quan đến hệ sinh thái thuộc ngành xây dựng như vật liệu, nhân công, quản lý dự án... Từ đó thúc đẩy an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống cho người lao động. "Những dự án mới được triển khai sẽ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu cho các DN về thép và xi măng, bởi họ đang trong tình trạng tồn kho lớn, dư thừa cung" - thạc sĩ Phạm Ngọc Trung chia sẻ.
Nhà đầu tư cần điểm tựa pháp lý
Dù được dự báo, thị trường NƠXH sẽ tạo nhu cầu lớn cho vật liệu xây dựng, tuy nhiên, nhiều DN chia sẻ rằng họ không mấy mặn mà với phân khúc nhà giá rẻ, bởi lý do tốn nhiều thời gian trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, giấy phép xây dựng. Đại diện một DN xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, mặc dù gói tín dụng được công bố mới đây sẽ tạo tiền đề cho thị trường bất động sản khởi sắc trở lại. Tuy nhiên để được ngân hàng cho vay xây dựng phân khúc nhà ở giá rẻ này tốn quá nhiều thời gian, chờ đợi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, rồi giấy phép xây dựng... có thể kéo dài từ 1 - 2 năm thậm chí vài năm.
"Có DN xin chủ trương đầu tư 2 dự án NƠXH tại TP Hà Nội, có quyền sử dụng đất hợp pháp, không nợ tiền thuê đất đối với Nhà nước, tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về quản lý sử dụng đất từ tháng 2/2022 nhưng đến cuối năm cũng chưa thấy phê duyệt. Chưa xong pháp lý, chúng tôi không vay được vốn đầu tư xây dựng dự án" - vị đại diện này chia sẻ.
KTS Ngô Tâm - Công ty CP tư vấn xây dựng COVIC phân tích, ví dụ DN muốn đầu tư xây dựng một khu đô thị trong đó có 100ha là đất ở mới, theo quy định phải để lại 20% đất làm NƠXH cho địa phương theo Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Sau khi bố trí quỹ đất xong, lựa chọn chủ đầu tư qua đấu giá, đấu thầu theo đơn giá xây dựng địa phương ban hành. Với giá nguyên vật liệu xây dựng đang neo cao như hiện nay mà đặc thù ngành xây dựng là thực hiện theo đúng hợp đồng và cam kết tiến độ, nếu không có điều chỉnh, các DN phải chấp nhận chi phí phát sinh như vậy thì càng làm càng lỗ.
"Hơn nữa, đặc thù của các dự án NƠXH là phải cung cấp những sản phẩm có giá thấp hơn so với các loại hình khác cùng chất lượng, điều đó dẫn đến các chủ đầu tư cắt giảm đến mức thấp nhất khoản chi phí nên sẽ xuống cấp nhanh, mất giá" - KTS Ngô Tâm cho hay.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, phát triển NƠXH cần đảm bảo Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt, tạo cơ chế ưu đãi, hài hòa lợi ích của người dân và nhà đầu tư. Đồng thời các công tác từ quy hoạch, bố trí quỹ đất, giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật cũng như cơ chế chính sách, văn bản pháp luật phải đồng bộ, hoàn thiện, tạo điều kiện vận hành hiệu quả và khuyến khích phát triển phân khúc này.