Phát triển sản phẩm OCOP Hà Nội: Khách quan, minh bạch trong đánh giá, phân hạng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022, Hà Nội dự kiến đánh giá, phân hạng 400 sản phẩm OCOP. Cùng với nỗ lực hoàn thành mục tiêu trên, TP chủ trương tổ chức thẩm định khách quan, minh bạch, bảo đảm các sản phẩm được đề xuất công nhận OCOP là xứng đáng.

Hà Nội phấn đấu đánh giá, phân hạng được ít nhất 400 sản phẩm OCOP trong năm 2022. Ảnh: Lâm Nguyễn  
Hà Nội phấn đấu đánh giá, phân hạng được ít nhất 400 sản phẩm OCOP trong năm 2022. Ảnh: Lâm Nguyễn  

41 sản phẩm đủ điều kiện cấp sao

Vừa qua, hộ kinh doanh Phương Soát (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) đã gửi 3 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP trong đợt thẩm định đầu tiên của Hội đồng OCOP TP. Thông qua các bước đánh giá của Hội đồng OCOP TP, 3 sản phẩm gồm: Bánh quy vừng vòng, bánh quy trứng nhện và bánh Sampa, đều đủ điều kiện để trình UBND TP xem xét, phân hạng 3 sao OCOP.

Chị Đinh Thị Tú Anh - Chủ hộ kinh doanh Phương Soát cho biết đây là lần đầu tiên tham gia Chương trình OCOP. “Hội đồng OCOP TP đã đánh giá rất khắt khe, chặt chẽ 3 sản phẩm của chúng tôi. Điểm số đánh giá của TP thấp hơn so với chấm điểm của Hội đồng OCOP quận Hoàn Kiếm…” - chị Tú Anh cho hay.

Trong đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đầu tiên năm 2022 của Hội đồng OCOP TP, quận Hoàn Kiếm có 6 sản phẩm đủ điều kiện phân hạng từ 3 sao trở lên. Ngoài 3 sản phẩm của hộ kinh doanh Phương Soát còn có 3 sản phẩm thịt, cá kho của hộ kinh doanh Huyền cá kho đặc biệt chợ Hàng Bè.

Cũng trong đợt đánh giá vừa qua của Hội đồng OCOP TP, quận Bắc Từ Liêm có 4 sản phẩm đủ điều kiện trình UBND TP xem xét, cấp chứng nhận. Trong khi đó, huyện Quốc Oai là địa phương có nhiều sản phẩm nhất tham gia đánh giá và đủ điều kiện phân hạng OCOP đợt 1 năm 2022 với tổng số 31 sản phẩm.

Các sản phẩm của huyện Quốc Oai tham gia đánh giá, phân hạng khá đa dạng về chủng loại. Ngoài các loại thực phẩm như giò, chả, xúc xích, bánh bao, bánh tẻ, miến dong…, còn có các mặt hàng đã qua chế biến như nước xốt, gia vị, nước lẩu, ngũ cốc ăn liền, cùng nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất tinh xảo.

Không cho phép nợ tiêu chí

Theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, năm 2022, TP dự kiến đánh giá, phân hạng 400 sản phẩm OCOP. Tuy nhiên đến nay, các chủ thể đã gửi 488 bộ hồ sơ đến Hội đồng OCOP TP để đăng ký thẩm định. Đây là điều kiện thuận lợi để Hà Nội hoàn thành mục tiêu Chương trình OCOP năm 2022.

Mặc dù vậy, ông Chí cho biết, Hà Nội không chủ trương chạy theo số lượng sản phẩm OCOP. Chính vì vậy, việc thẩm định của Hội đồng OCOP TP sẽ được thực hiện khách quan, minh bạch, công bằng đối với tất cả các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng từ nay đến cuối năm 2022.

“Thành viên Hội đồng OCOP TP sẽ tiếp tục bám sát các tiêu chí được quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cũng như Quy chế hoạt động của Hội đồng OCOP TP trong quá trình đánh giá, phân hạng, bảo đảm các sản phẩm được công nhận OCOP là xứng đáng…” - ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.

Để công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch Hội đồng OCOP TP Chu Phú Mỹ đề nghị thành viên Hội đồng là đại diện các sở ngành, tập trung nghiên cứu hồ sơ, xem xét kỹ các tiêu chí có liên quan đến đơn vị mình phụ trách để tham gia ý kiến, góp ý bổ sung cho chủ thể những nội dung còn thiếu. Đặc biệt là tuyệt đối không để chủ thể nợ tiêu chí mà sản phẩm vẫn được công nhận OCOP.

Biểu dương nỗ lực của 3 quận huyện: Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm và Quốc Oai, đại diện Hội đồng OCOP TP đề nghị các địa phương khác trên địa bàn Hà Nội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện sản phẩm OCOP để tham gia đánh giá, phân hạng từ nay đến cuối năm. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm OCOP sau khi được cấp sao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần