208 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên
Chị Phạm Thị Huyền (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) cho biết, gia đình có nghề làm cá kho, thịt kho tàu và thịt kho dừa đã nhiều năm. Được sự động viên, hỗ trợ, hướng dẫn của UBND phường và Phòng Kinh tế quận, chị đã hoàn thiện sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP.
Trong đợt đánh giá, phân hạng cuối năm 2022, 3 sản phẩm của gia đình chị gồm thịt kho tàu, thịt kho dừa và cá kho đặc biệt, được Hội đồng OCOP TP Hà Nội đánh giá khá cao về chất lượng, cấp chứng nhận 3 sao OCOP. “Từ khi được gắn sao OCOP, sản phẩm của gia đình thêm phần uy tín, được người tiêu dùng chọn mua nhiều hơn…” - chị Huyền chia sẻ.
Thịt kho tàu, thịt kho dừa và cá kho đặc biệt cũng là 3 trong tổng số 6 sản phẩm OCOP của quận Hoàn Kiếm được UBND TP Hà Nội đánh giá, phân hạng trong năm 2022. Trước đó, quận này đã có 8 sản phẩm OCOP được UBND TP Hà Nội cấp chứng nhận 4 sao.
Trong năm 2023, 7 quận nội thành (Hà Đông, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng) đăng ký phát triển thêm 45 sản phẩm OCOP.
Cùng với quận Hoàn Kiếm, trong những năm qua, Chương trình OCOP của TP Hà Nội đã nhận được sự quan tâm lớn của các quận nội thành khác. Đến nay, các quận nội thành đã phát triển được tổng số 208 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Dẫn đầu trong khối các quận về phát triển sản phẩm OCOP là quận Hà Đông, khi địa phương này đã có 37 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP. Tiếp đến là các quận: Bắc Từ Liêm (34 sản phẩm), Thanh Xuân (28 sản phẩm), Tây Hồ (23 sản phẩm), Nam Từ Liêm và Long Biên - mỗi quận có 22 sản phẩm…
Cần được quan tâm nhiều hơn
OCOP là chương trình phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương. Đây được kỳ vọng là chương trình có thể thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc trưng, có tiềm năng và lợi thế, không chỉ của các vùng miền, huyện, thị xã, mà còn của các quận thuộc Hà Nội.
Dù nhiều quận đã tích cực vào cuộc phát triển sản phẩm OCOP, tuy nhiên, thống kê cho thấy số lượng sản phẩm OCOP của các quận vẫn còn rất khiêm tốn, khi 10 quận nội thành mới phát triển được 208 sản phẩm trong tổng số 2.140 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 87 sản phẩm 3 sao, 117 sản phẩm 4 sao và 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ Nguyễn Việt Cường cho biết, quận rất quan tâm đến phát triển sản phẩm OCOP, coi đây là giải pháp giữ vững, lan tỏa những giá trị thương hiệu, nhãn hiệu tập thể làng nghề, sản vật của địa phương. “Sau 23 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng, dự kiến trong năm 2023, quận sẽ tiếp tục hỗ trợ các chủ thể phát triển thêm 10 sản phẩm OCOP…” - ông Cường chia sẻ.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Phan Văn Phúc chia sẻ, cuối tháng 8/2023, 3 sản phẩm của hai chủ thể trên địa bàn quận đã được Hội đồng OCOP TP Hà Nội đánh giá, phân hạng, đủ điều kiện cấp chứng nhận 3 sao. Đây cũng là những sản phẩm đầu tiên của quận tham gia Chương trình OCOP, thể hiện quyết tâm cao của địa phương đối với mục tiêu chung của TP Hà Nội.
Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, sự vào cuộc của các quận đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu chung của TP trong phát triển sản phẩm OCOP. Trong năm 2023, TP phấn đấu phát triển được ít nhất 400 sản phẩm OCOP. Để đạt được mục tiêu này, rất cần sự quan tâm, tham gia tích cực hơn nữa của các chủ thể tại các quận.
Cùng với phát triển sản phẩm mới, thời gian tới, ông Ngọ Văn Ngôn đề nghị các quận tiếp tục chỉ đạo các phòng ban, UBND phường thường xuyên kiểm tra, giám sát việc duy trì chất lượng các sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia đánh giá, nâng hạng trong năm 2023.