Phát triển sản xuất ngô gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/6, tại huyện Đan Phượng (TP Hà Nội), Bộ NN&PTNT phối hợp UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị Phát triển sản xuất ngô gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng các tỉnh phía Bắc.

Tham dự có đại diện các Sở NN&PTNT các tỉnh phía Bắc, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ngô.
hội nghị phát triển sản xuất ngô gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng các tỉnh phía Bắc
Hội nghị phát triển sản xuất ngô gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng các tỉnh phía Bắc.
Tại hội nghị, các đại biểu nhận định, phát triển sản xuất ngô, chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô là một trong những giải pháp thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Ở nước ta, ngô là cây lương thực có vai trò quan trọng sau cây lúa và ngày càng được quan tâm vì ngô còn sử dụng làm thức ăn gia súc. Trong vòng 10 năm qua, diện tích, năng suất sản lượng sản xuất trồng ngô tăng liên tục. Đến nay, cả nước có khoảng 1,2 triệu héc ta ngô, với năng suất 44,5 tạ/ha. Sản lượng ngô tăng trung bình khoảng 170.000 tấn, trong đó, diện tích tăng chủ yếu ở khu vực Trung du miền núi phía Bắc.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, hàng năm, nước ta phải nhập khẩu lượng lớn ngô để làm nguyên liệu thức ăn cho gia súc gia cầm. Trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 2 triệu tấn ngô, với giá trị 500 triệu USD. Do đó, sản xuất ngô là cơ hội để khai thác thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đối với ngành trồng trọt, qua đó đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân. “Chúng ta phải nỗ lực để nâng cao nhanh hơn năng suất ngô so với các quốc gia trên thế giới thì cây ngô mới có chỗ đứng vững chắc” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.