Phát triển sầu riêng, cần xây dựng chiến lược dài hạn
Kinhtedothi- Chiều 24/5, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững.
Hội nghị nhằm tổng kết tình hình sản xuất, xuất khẩu; đánh giá những thuận lợi, khó khăn và bàn các giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy phát triển ngành hàng sầu riêng một cách bền vững, ổn định và hiệu quả.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đánh giá, sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản tăng trưởng ấn tượng nhất trong thập kỷ qua. Diện tích trồng sầu riêng đã tăng gần 6 lần, lên gần 180.000ha, trong đó riêng tỉnh Đắk Lắk chiếm hơn 30.000ha, đưa loại quả này trở thành trái cây chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị.
Bước ngoặt lớn diễn ra vào tháng 7/2022, khi Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc. Chỉ sau 2 năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã vượt 3 tỷ USD, đưa sầu riêng trở thành một trong những sản phẩm chiến lược trong cơ cấu xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, Bộ trưởng cảnh báo về những hệ lụy từ phát triển nóng, đặc biệt là các dấu hiệu bất ổn trong 4 tháng đầu năm 2025. Những mâu thuẫn đang ngày càng bộc lộ rõ rệt: giữa tốc độ mở rộng sản xuất và khả năng tổ chức chuỗi cung ứng; giữa yêu cầu kiểm soát chất lượng của thị trường nhập khẩu và năng lực đáp ứng còn hạn chế trong nước.

Chỉ sau 2 năm, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đã vượt 3 tỷ USD.
Do đó, tại hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đề nghị các địa phương, DN và các hiệp hội ngành hàng tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như phân tích, đánh giá thực trạng tăng trưởng “nóng” về sản xuất và xuất khẩu của ngành hàng; tìm giải pháp để nâng cao năng lực kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch và kiểm soát chất lượng; thảo luận, tìm kiếm những giải pháp, dài hạn cho chiến lược phát triển thị trường, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu quốc gia và nâng cao khả năng cạnh tranh; thảo luận và đóng góp ý kiến cho dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm hoàn thiện, ban hành Thông tư rất quan trọng này…
Bộ trưởng cũng kêu gọi tăng cường chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các quốc gia xuất khẩu sầu riêng thành công như Thái Lan và Malaysia, những nước đã xây dựng được mô hình quản lý vùng trồng hiệu quả, logistics đồng bộ và chuỗi giá trị bền vững.

Chuẩn hóa mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để giữ thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, cần xây dựng chiến lược dài hạn cho ngành hàng, tập trung vào phát triển thị trường tiêu thụ mới, đầu tư vào chế biến sâu và từng bước đưa sầu riêng Việt Nam thành thương hiệu quốc gia.
Cũng tại hội nghị, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn kiến nghị xây dựng đề án phát triển sầu riêng chất lượng cao gắn với việc xây dựng thương hiệu quốc gia, lấy tỉnh Đắk Lắk làm điểm.
Đồng thời cho rằng còn nhiều thách thức và hạn chế của ngành sầu riêng. Cụ thể là tỷ lệ vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu còn thấp; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn hạn chế, chất lượng chưa đồng đều; liên kết chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, cơ sở hạ tầng sản xuất chưa đồng bộ; sản phẩm chủ yếu là chế biến thô, chưa nâng cao giá trị gia tăng; một số vi phạm về an toàn thực phẩm và gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn (áo ca rô) kiến nghị xây dựng đề án phát triển sầu riêng chất lượng cao gắn với việc xây dựng thương hiệu quốc gia, lấy tỉnh Đắk Lắk làm điểm.
Trên cơ sở đó, ông Văn đề nghị: hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục cho các loại trái cây, đặc biệt là sầu riêng, để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Thành lập các Trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, Trung tâm kiểm dịch thực vật và cơ sở chiếu xạ tại tỉnh Đắk Lắk để giám sát, kiểm soát dư lượng các hoạt chất.
Tại hội nghị, các lãnh đạo địa phương, các chuyên gia, DN cũng đã có những ý kiến, thảo luận mang tính xây dựng, tìm giải pháp cho các vướng mắc của sầu riêng hiện tại như năng lực cạnh tranh, chế tài xử lý vi phạm mã vùng trồng, năng lực sản xuất…

Sầu riêng là một trong những ngành hàng trái cây phát triển nhanh nhất cả nước.

Đắk Nông: nông dân phấn khởi vì sầu riêng được mùa, được giá
Kinhtedothi - Thời điểm này, Đắk Nông đang bước vào chính vụ mùa thu hoạch sầu riêng năm 2024. Năm nay, dù thời tiết khắc nghiệt, hạn hán nhưng bằng kinh nghiệm, kiến thức và phương pháp sản xuất khoa học nên nhiều nhà nông có được vụ mùa bội thu lại vừa được giá.

Đắk Lắk: cần giải pháp hỗ trợ sinh kế bền vững để ngăn tình trạng phá rừng ở xã Cư San
Kinhtedothi - Sau bài báo “Đắk Lắk: báo động tình trạng phá rừng tại xã Cư San” đăng ngày 16/4/2025, nêu lên thực trạng phá rừng trái phép để chiếm đất sản xuất tại xã Cư San (huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) trong thời gian dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng và an ninh trật tự địa phương. Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk và UBND xã Cư San đã có phúc đáp về vấn đề này.

Thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững
Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững.