Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả và hội nhập

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP, ngày 10/1/2023 Về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%

Chính phủ đặt ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động.

Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Ảnh: Phạm Hùng.
Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Ảnh: Phạm Hùng.

Đồng thời duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45%, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp…

Để thực hiện những chỉ tiêu trên, Chính phủ đề ra các nhiệm vụ và giải pháp, trong đó hoàn thiện khung pháp lý, rà soát sửa đổi các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm.

Thực hiện nhiệm vụ phục hồi và phát triển thị trường lao động, Chính phủ đề ra giải pháp khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối, cung ứng lao động. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu  nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đã có dự án và đang nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam.

Phát triển các cơ sở đào tạo chất lượng cao; đầu tư nâng cấp 3 trường và bổ sung trung tâm chất lượng cao để hình thành 3 trung tâm quốc gia đào tạo, thực hành chất lượng cao tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… Thực hiện các biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu lao động cục bộ, mất cân đối cung – cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số.

Tạo việc làm bền vững, phát triển nhà ở cho người lao động

Một nhiệm vụ nữa hết sức quan trọng được Chính phủ đặt ra là thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động. Giải pháp để thực hiện nhiệm vụ này là tăng cường đầu tư, phát triển các ngành nghề kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững. Trong đó, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, tạo nhiều việc làm mới có năng suất, chất lượng cao. Tăng cường đầu tư nguồn lực cho các chương trình, đề án tạo nhiều việc làm bền vững, nhất là việc làm năng suất cao; nghiên cứu các đề xuất chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo… tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững.

Trường Trung cấp nghề Nấu ăn -  Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội phối hợp với Công ty CP Đầu tư Long Biên tổ chức Lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh: Trần Oanh.
Trường Trung cấp nghề Nấu ăn -  Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội phối hợp với Công ty CP Đầu tư Long Biên tổ chức Lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh: Trần Oanh.

Tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh; việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động.

Thí điểm, triển khai một số mô hình đào tạo mới, nhất là những ngành, nghề đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thí điểm mô hình đạo tạo tại DN, trong khu công nghiệp bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tính chất và điều kiện sản xuất – kinh doanh của các DN, nhất là DN FDI và mô hình hội đồng kỹ năng nghề của các cấp. Tập trung đào tạo nghề nghiệp cho người lao động cả trước – trong – sau quá trình tham gia thị trường lao động về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các DN.

Thiết lập mạng lưới thông tin của những người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về để thu hút vào làm việc cho các DN FDI tại Việt Nam. Thiết lập hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng, đa lĩnh vực theo ngành nghề, cấp trình độ phục vụ người lao động, DN, cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách lao động – việc làm, giáo dục, đào tạo.

Nghị quyết cũng đưa ra giải pháp đa dạng hóa các gói dịch vụ an sinh xã hội cung cấp cho người lao động về hình thức, phương thức, mức đóng góp và mức hưởng thụ; đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho người lao động để tham gia hiệu quả vào thị trường lao động.

Cùng với đó là nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động; đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người lao động; trước mắt tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở và hạ tầng xã hội cho người lao động, chính sách hỗ trợ tín dụng để giải quyết vấn đề chỗ ở cho người lao động.

Khuyến khích miễn học phí cho học sinh, sinh viên

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến hỗ trợ phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm và phát triển nguồn nhân lực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Và thực hiện xây dựng và triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch thực hiện các Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quyết định số 176/QĐ-TTg, Quyết định số 2239/QĐ-TTg; Quyết định số 1446/QĐ-TTg.

Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương có chính sách hỗ trợ học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Văn Huy.
Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương có chính sách hỗ trợ học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Văn Huy.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, đặc biệt là hoạt động đào tạo nghề. Bố trí kinh phí, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc miễn học phí năm học 2022 – 2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học các ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề bị tác động do dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Có chính sách hỗ trợ học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp (miễn học phí hoặc hỗ trợ học phí, chi phí học tập văn hóa phổ thông) phù hợp với điều kiện địa phương và các quy định của pháp luật… Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát để cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN.