Thu nhập khá nhờ trồng rau Mới 13 giờ chiều, trời vẫn nắng như đổ lửa, nhưng những người nông dân xã Thư Phú đã rục rịch ra đồng hái rau. Anh Nguyễn Đình Toản (đội 1, thôn Vĩnh Lộc) cho biết, 4 người trong gia đình anh phải tranh thủ thu hái cho hết diện tích rau cải ngồng, vì để thêm ngày, rau sẽ già héo, khó bán và cũng không được giá. Gia đình anh trồng khoảng 4 sào rau xanh các loại, nhiều nhất là các giống cải. Trừ chi phí cho giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mỗi năm gia đình anh thu lời trên 100 triệu đồng, cao gấp 15 – 20 lần so với cấy lúa.
Toàn xã Thư Phú có gần 1.700 hộ dân thì có đến 90% tham gia canh tác rau màu. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở thôn Vĩnh Lộc. Việc sản xuất rau ở Thư Phú được tuân thủ theo quy trình khá nghiêm ngặt. Tại các xứ đồng, những tấm bảng hướng dẫn quy trình sản xuất theo quy chuẩn của Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) được lắp đặt để bà con tiện theo dõi. Bên cạnh đó, hệ thống tưới cũng được người nông dân Thư Phú đầu tư bài bản. Hệ thống dẫn nước tưới được lắp đặt chạy xuyên suốt những xứ đồng, đảm bảo việc cung cấp nước tưới thường xuyên cho rau màu. Đặc biệt, người nông dân đã bước đầu mạnh dạn áp dụng công nghệ tưới tự động và mô hình canh tác trong nhà lưới nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất. Hướng tới một thương hiệu Với lợi thế về chất đất phù hợp, rau màu là cây trồng được địa phương xác định là hướng thoát nghèo cho bà con nông dân. Toàn xã Thư Phú hiện có khoảng 150ha sản xuất rau, trong đó có 70ha rau an toàn. Nhờ phát triển vùng rau, thu nhập bình quân của người dân xã Thư Phú không ngừng tăng lên, nay đã đạt xấp xỉ 29 triệu đồng/năm. Dù vậy, sản xuất rau ở Thư Phú chưa phải đã hết khó. Theo chị Lê Thị Phương (thôn Vĩnh Lộc), nhiều xứ đồng nơi đây khá trũng thấp, vào mùa mưa dễ bị ngập nước khiến việc sản xuất bị ảnh hưởng. Thậm chí có năm, mưa lớn đến đột ngột khiến nhiều diện tích rau màu của bà con bị mất trắng. Ngoài việc vẫn phải tự túc trong tiêu thụ sản phẩm, sự biến động về giá cả thị trường cũng khiến thu nhập của bà con từ sản xuất rau chưa thực sự ổn định. Ông Nguyễn Văn Sành – Phó Chủ tịch UBND xã Thư Phú cho biết, một trong những nguyên nhân khiến đầu ra của sản phẩm rau Thư Phú chưa ổn định là bởi chưa có thương hiệu. Để từng bước tạo dựng thương hiệu cho vùng rau Thư Phú, những năm qua, xã thường xuyên tổ chức thông tin, tuyên truyền để bà con hiểu ý nghĩa của việc xây dựng thương hiệu; nắm bắt và thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất rau an toàn. Đáng mừng là đến nay, sản phẩm rau Thư Phú chưa có “điều tiếng” gì. Hiện, địa phương đang cố gắng hoàn tất thủ tục cần thiết để được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm rau an toàn. Ông Sành cho biết thêm, trong định hướng phát triển kinh tế, địa phương sẽ tiếp tục mở rộng diện tích rau an toàn cung ứng cho thị trường nội đô. Tuy nhiên, để làm được điều này, người nông dân Thư Phú rất mong TP tiếp tục có cơ chế hỗ trợ vốn, kỹ thuật nhằm từng bước hiện đại hóa quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm rau.
Bà con nông dân thôn Vĩnh Lộc (xã Thư Phú) thu hoạch rau. Ảnh: Lâm Nguyễn |