Phát triển xe buýt “xanh”: Phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Ngọc Hải - Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhận định, để chuyển đổi phương tiện xanh cho mạng lưới xe buýt của Thủ đô cần một lộ trình phù hợp và những yếu tố mang tính động lực như: Quy hoạch nguồn năng lượng, cơ chế chính sách ưu đãi…

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường thị sát depot xe buýt điện tại quận Nam Từ Liêm
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường thị sát depot xe buýt điện tại quận Nam Từ Liêm

Thí điểm bộc lộc nhiều khó khăn

Từ năm 2021 đến nay, Hà Nội đã đưa vào thí điểm khai thác 9 tuyến xe buýt điện, do Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus vận hành. Những tuyến buýt “xanh” này đã mang lại hiệu quả tích cực cho mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) cũng như môi trường của TP.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus cho biết, 9 tuyến xe buýt điện của đơn vị đã thực hiện trên 20,3 triệu km vận hành, giảm phát thải hơn 18 nghìn tấn khí CO2, tương đương với việc trồng khoảng 844 nghìn cây xanh. Tổng số các tuyến buýt điện đã phục vụ gần 32 triệu lượt hành khách; 80% là cán bộ, công chức làm việc tại các văn phòng; và 90% trong số đó bày tỏ rất hài lòng với chất lượng của xe buýt điện.

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cũng nhận xét, 9 tuyến xe buýt điện của Vinbus được ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để tinh gọn các khâu vận hành, nâng cao rõ rệt hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, sau một thời gian thí điểm, xe buýt điện cũng đang gặp những khó khăn, thách thức rất lớn, đặc biệt là do những bất cập trong cơ chế, chính sách.

“Nhà đầu tư xe buýt điện chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi của Hà Nội. Giá thành một chiếc xe buýt điện cao gấp 3 - 3,5 so với xe buýt thường, nên chi phí lãi vay chiếm khoảng 10 - 11% tổng chi phí. Hiện, công ty vẫn đang lỗ và nếu không có tiềm lực mạnh đã không thể tiếp tục duy trì hoạt động” - ông Nguyễn Công Nhật nói.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường thị sát depot xe buýt điện tại quận Nam Từ Liêm.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường thị sát depot xe buýt điện tại quận Nam Từ Liêm.

Lãnh đạo của Vinbus cho biết thêm, do hai depot xe buýt điện của đơn vị đều được xây dựng trong các khu đô thị, có nguồn cung năng lượng ổn định nên việc vận hành vẫn đảm bảo tốt. Tuy nhiên, nếu muốn mở rộng mạng lưới xe buýt điện ra toàn TP trong bối cảnh chưa có quy hoạch nguồn năng lượng riêng như hiện nay sẽ rất khó khăn.

Khơi thông bế tắc

Chia sẻ với những khó khăn DN vấp phải trong quá trình thí điểm triển khai xe buýt nhiên liệu sạch phục vụ VTHKCC, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường đánh giá cao nỗ lực của Vinbus cũng như các DN khác trong thời gian qua.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhận định, khó khăn đầu tiên đối với xe buýt điện nói riêng và mạng lưới xe buýt nói chung là thiếu kịch bản rõ ràng, dẫn đến nhiều bất cập. Đặc biệt là với việc chuyển đổi mạng lưới xe buýt sang sử dụng phương tiện xanh theo đúng lộ trình mà Chính phủ đề ra.

Ông Nguyễn Phi Thường nói: “Đây là lúc rà soát đánh giá, định hình lại mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt. Có định hướng thì DN mới biết phải đầu tư như thế nào. Ví dụ như phải ưu tiên cho khu vực nội đô xe buýt điện, ra xa hơn nữa là xe CNG…”. Phải có lộ trình cụ thể, rõ ràng cho DN chuẩn bị chuyển đổi phương tiện sang xe buýt nhiên liệu sạch. Lộ trình phải phù hợp, khả thi.

Với nhiều ưu điểm so với buýt truyền thống, buýt điện đang được nhiều người lựa chọn.
Với nhiều ưu điểm so với buýt truyền thống, buýt điện đang được nhiều người lựa chọn.

Vị lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh: “Muốn phát triển xe buýt năng lượng sạch thì cơ quan quản lý nhà nước phải tập trung vào những vấn đề DN đang khó khăn vướng mắc, có sự tác động hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời. Vấn đề lớn nhất là cơ chế, chính sách có rồi nhưng chưa đi vào cuộc sống. Ví dụ như vấn đề lãi vay, nếu không gỡ được thì DN khó có thể đầu tư chuyển đổi phương tiện”.

 

Theo lộ trình, giai đoạn 2025 - 2030, toàn bộ xe buýt được đầu tư mới, hoặc thay thế xe cũ của Hà Nội phải sử dụng năng lượng xanh; thị phần của vận tải công cộng phải đạt từ 45 - 50%. Đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Mặt khác, khả năng cung ứng nguồn điện cho xe buýt năng lượng sạch cũng rất cần sự vào cuộc của Bộ Công thương và các đơn vị liên quan. Phải đưa vấn đề này vào quy hoạch lưới điện chung, chuẩn bị cho tương lai khi Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác có hàng nghìn xe buýt điện. Thiếu hạ tầng năng lượng sẽ không thể đảm bảo lộ trình thay thế phương tiện xanh mà Chính phủ đề ra.

“Hiện tại, vấn đề mấu chốt là phải xây dựng được đơn giá định mức của xe buýt điện một cách chặt chẽ, chính xác nhưng cũng phải tính đúng, tính đủ. Sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước, đồng thời, không làm cho DN thiệt thòi dẫn đến triệt tiêu động cơ chuyển đổi” - ông Nguyễn Phi Thường nói.
Vị lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng cam kết, những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm, Sở sẽ thúc đẩy hoàn thành nhanh nhất, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn cho DN.

 

Hiện, người dân đang có xu hướng quay trở lại với phương tiện cá nhân. Nhiệm vụ của VTHKCC nói chung và xe buýt nói riêng là phải giành lại thị phần, thu hút người dân sử dụng để giảm thiểu phương tiện cá nhân.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần