70 năm giải phóng Thủ đô

Phát triển xe đạp công cộng tại Hà Nội: Căn cơ từ quy hoạch hạ tầng

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang nghiên cứu, triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng để phục vụ người dân và khách du lịch trong năm nay.

Xe đạp công cộng được sử dụng tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Quân
Xe đạp công cộng được sử dụng tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Quân

Thông tin đưa ra đã nhận được sự ủng hộ của người dân và giới chuyên môn về loại hình phương tiện giao thông xanh, góp phần thúc đẩy hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn phát triển. Tuy nhiên, để thúc đẩy người dân đi xe đạp, đặc biệt sử dụng xe đạp công cộng lâu dài, bền vững, vấn đề tiên quyết, căn cơ là phải quy hoạch mạng lưới, thiết kế đường chuyên biệt cho loại phương tiện này.

Thiết kế đường riêng cho xe đạp

Xu hướng phát triển đô thị bền vững trên thế giới đang đề cao vai trò của xe đạp - loại phương tiện xanh, sạch, thân thiện môi trường, hỗ trợ dịch vụ vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Nhiều TP như Copenhagen (Đan Mạch), Amsterdam (Hà Lan), Berlin (Đức), Strasbourg (Pháp), Bắc Kinh (Trung Quốc)… đã định hình lại cơ sở hạ tầng đô thị theo cách khuyến khích xe đạp như xây cầu, làn đường dành riêng cho xe đạp hay có bãi đậu xe cố định cho loại hình này. Chính điều này đã thu hút rất đông người dân sử dụng phương tiện xe đạp, điển hình tại Copenhagen có khoảng 62% số công dân sử dụng xe đạp để đi làm hoặc đi học.

Xe đạp công cộng được sử dụng tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Quân
Xe đạp công cộng được sử dụng tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Quân

Theo TS. Phạm Hoài Chung - Chuyên gia về chiến lược giao thông vận tải, triển vọng của phát triển xe đạp công cộng, không chỉ ở nhiều nước trên thế giới mà tại các đô thị của Việt Nam cũng có rất nhiều tiềm năng. Nhất là khi các TP lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã và đang hình thành tuyến đường sắt đô thị, rất cần loại hình kết nối như xe đạp phát triển song hành.

Chuyên gia này cho rằng, để phát triển được xe đạp công cộng, trước hết và quan trọng nhất là phải tạo được môi trường an toàn, an ninh từ đó mới thu hút đông đảo người dân, du khách sử dụng xe đạp công cộng. Những làn đường dành riêng, vị trí giao cắt cần được thiết kế để hỗ trợ phương tiện xe đạp lưu thông được hiệu quả, hợp lý.

Thứ hai, quy hoạch mạng lưới vị trí đỗ xe thuận lợi trong việc kết nối với phương thức vận tải khác. Thứ ba, yếu tố công nghệ giúp sẽ cho người dân tiếp cận thuận tiện và sử dụng dễ dàng. “Tuy nhiên, tại các TP lớn nói chung, trong đó có Hà Nội, hạ tầng dành cho xe đạp đang là thách thức rất lớn, rào cản để phát triển xe đạp công cộng” - TS. Phạm Hoài Chung nêu.

Theo con số thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hệ thống đường phố đô thị của TP có chiều dài khoảng 343km với diện tích mặt đường xấp xỉ 5,25km2. Công năng đường giao thông nội đô chủ yếu là giao thông hỗn hợp. Trong quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đô thị tại Hà Nội, hạ tầng dành riêng cho xe đạp chưa được chú trọng, chưa có đường giao thông dành riêng cho xe đạp, loại hình phương tiện này hiện nay chủ yếu đi chung. Quy hoạch hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, quỹ đất dành cho giao thông vẫn hạn chế, tổ chức giao thông chưa phù hợp cho phát triển đường riêng đối với xe đạp. Do đó, Sở GTVT đã đề xuất TP cần xem xét chỉ tiêu này kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trong các đồ án quy hoạch hạ tầng giao thông cũng nên xem xét thiết kế đường dành riêng cho xe đạp.

Xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển

Theo các chuyên gia, phát triển hệ thống vận tải công cộng bằng xe đạp đô thị đến thời điểm này là cần thiết đối với Hà Nội. Nhưng để triển khai bài bản, bền vững, đòi hỏi chính quyền đô thị phải xác định được tầm nhìn, mục tiêu phát triển. Từ đó chuẩn bị điều kiện về hạ tầng, về chính sách ưu tiên sử dụng đường riêng, chính sách đảm bảo an toàn, an ninh cho người sử dụng… Nếu không, dự án thí điểm thực hiện sẽ có nguy cơ thất bại như những lần trước đó.

Theo TS. Phạm Hoài Chung, trước hết, TP Hà Nội cần có chính sách xây dựng hệ thống hạ tầng mang tính chất định hướng cho phát triển xe đạp tại khu vực trung tâm đô thị rồi phát triển rộng dần. Nếu không có những vỉa hè đủ lớn hay tuyến đường có mặt cắt ngang rộng để bố trí làn đường cho xe đạp thì khi tham gia trong dòng hỗn hợp, phương tiện xe đạp cần có chính sách ưu tiên bằng hệ thống biển báo, chỉ hướng, vạch chỉ đường…

TS. Vũ Anh Tuấn - Giám đốc trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, trường Đại học Việt Đức cho rằng, vấn đề an toàn, an ninh của người đi xe đạp phải được đặt lên hàng đầu mới thu hút được người sử dụng. Từ quan điểm này, chính quyền TP phân tích hiện trạng về hạ tầng và đưa ra kế hoạch cải tạo, xây dựng nhằm tăng không gian dành cho xe đạp, nhất là Hà Nội đang thực hiện đẩy mạnh tái thiết đô thị, mở rộng mạng lưới đường sá, vấn đề này không phải quá khó. “Không thể nào phát triển một loại phương tiện nếu chúng ta không chuẩn bị về mặt hạ tầng” - TS. Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Mặc dù các TP lớn đang chú trọng đẩy mạnh việc sử dụng phương tiện xe đạp công cộng đến với người dân. Tuy vậy, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, bao gồm cả hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, thiết kế liên quan đến giao thông đô thị Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn riêng về thiết kế đường xe đạp trong đô thị. Do vậy, để thúc đẩy người dân đô thị sử dụng phương tiện xe đạp, loại hình phương tiện này cần phải được chú trọng hơn, được tạo điều kiện từ công tác quy hoạch đô thị, thiết kế đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị đến giai đoạn khai thác sử dụng, nhằm tạo sự thuận tiện, an toàn cho người sử dụng.

PGS.TS. Vũ Hoài Nam - Khoa Cầu đường (trường Đại học Xây dựng) cho rằng, việc xây dựng tài liệu hướng dẫn thiết kế hạ tầng dành cho xe đạp trong đô thị rất cần thiết đối với những người làm quy hoạch, thiết kế, tổ chức giao thông. Ngoài giảm thiểu rủi ro tai nạn cho nhóm người đi xe đạp, thiết kế hạ tầng dành cho xe đạp còn góp phần thúc đẩy hệ thống giao thông công cộng đô thị phát triển, làm dịch chuyển nhu cầu giao thông theo hướng sử dụng phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường.

 

Mới đây, TP Hà Nội đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Trong đó đáng chú ý với quy định: Trong khu vực tái thiết đô thị, các tuyến đường cấp nội bộ xây dựng mới phải bố trí vỉa hè tối thiểu rộng 4m để trồng cây xanh, bố trí lối đi riêng dành cho đường xe đạp. Đây có thể coi là quy định đầu tiên của TP về công tác hạ tầng dành cho xe đạp, làm tiền đề cho việc thiết kế các tuyến đường chuyên biệt dành riêng cho loại hình phương tiện giao thông xanh, góp phần thúc đẩy người dân nhanh chóng tiếp cận với xe đạp công cộng.