KTĐT - Bác sĩ P. Singh, trưởng khoa tiết niệu bệnh viện Batra đồng thời là trưởng kíp mổ cho biết niệu quản của bệnh nhân trên bị hỏng do sai sót từ một cuộc phẫu thuật trước đó.
Các bác sĩ bệnh viện Batra và Trung tâm nghiên cứu y học tại thủ đô New Dehli của Ấn Độ vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật hiếm có: tái cấu trúc toàn bộ niệu quản, ống niệu dài 25cm dẫn nước tiểu từ thận tới bàng quang ở một nữ bệnh nhân 32 tuổi.
Bác sĩ P. Singh, trưởng khoa tiết niệu bệnh viện Batra đồng thời là trưởng kíp mổ cho biết niệu quản của bệnh nhân trên bị hỏng do sai sót từ một cuộc phẫu thuật trước đó, khiến bụng dưới bệnh nhân bị chướng và căng phồng, do đó phải thay niệu quản khẩn cấp nếu không thận phải sẽ bị hỏng hoàn toàn.
Bác sĩ Singh cũng cho biết ca phẫu thuật rất phức tạp vì thận trái của bệnh nhân cũng bị hỏng một phần, có thể tiến hành thay một phần ống niệu bị hỏng, song nguy cơ toàn bộ niệu quản bị hỏng sau phẫu thuật là rất cao, nên việc thay đổi cấu trúc toàn bộ niệu quản là rất cấp thiết.
Vì không thể tái cấu trúc toàn bộ ống niệu dài 25cm nên các bác sĩ đã quyết định giảm tối đa độ dài của ống niệu bằng cách cắt rời thận phải ra từ hốc thận và đưa xuống phần bên phải bụng dưới, nhờ đó giảm được 15cm độ dài của niệu quản.
Niệu quản mới dài 10cm nối trực tiếp từ phần nắp trên (flap) của bàng quang với thận phải.
Bước cuối cùng là nối thận phải với mạch máu cũng đã được thực hiện thành công.
Ca phẫu thuật được tiến hành cách đây hai tháng và sức khỏe của bệnh nhân đã trở lại bình thường./.