Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phẫu thuật tim bằng công nghệ 3D: Những lợi ích vượt bậc

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ sau hơn một năm hệ thống phẫu thuật tim với công nghệ 3D được đưa vào sử dụng tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, gần 150 ca bệnh đã được phẫu thuật thành công với kết quả ấn tượng, rút ngắn thời gian mổ và hậu phẫu.

Phẫu thuật tim bằng công nghệ 3D tại Bệnh viện E. Ảnh: Nam Trần
Đại phẫu tim chỉ với vết mổ 1,5cm
Bệnh nhân nữ Đ.T.T. (68 tuổi, phố Trần Quang Khải, TP Nam Định) nhập viện trong tình trạng đau ngực trái, khó thở, mệt mỏi và thể trạng rất gầy yếu, trọng lượng khoảng 34kg… Bệnh nhân đi khám và được xác định mắc bệnh thông liên nhĩ. Tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E, các bác sĩ kết luận bệnh nhân phải can thiệp phẫu thuật do lỗ thông lớn, có nhiều lỗ (dạng sàng) đã gây hậu quả lên tim, phổi. Đồng thời trong quá trình làm chẩn đoán, các bác sỹ phát hiện bệnh nhân còn bị hẹp nặng động mạch vành nuôi cơ tim cần phải can thiệp.

Nếu theo cách thức cũ, bệnh nhân sẽ được mổ mở bắc cầu động mạch vành và vá lỗ thông liên nhĩ trong tim. Cuộc phẫu thuật trở nên nặng nề do thể trạng bệnh nhân gầy yếu, bệnh lâu ngày ảnh hưởng nặng lên tim phổi. Hơn nữa phương pháp mổ mở thông thường phải cưa mở toàn bộ xương ức có nhiều rủi ro vì tình trạng xương ức của bệnh nhân cao tuổi dễ vỡ, khó liền trong thời kỳ hậu phẫu.

GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E là người trực tiếp tiến hành ca mổ này bằng công nghệ 3D chỉ qua các lỗ nhỏ thành ngực. Chưa đầy một ngày sau đại phẫu, bệnh nhân đã tỉnh táo và xuất viện sau 5 - 6 ngày. Các dấu vết để lại chỉ là các vết sẹo nhỏ 1 - 1,5cm ở các góc khuất cơ thể.

Trong tuần qua, Trung tâm Tim mạch cũng đã mổ thị phạm cho 3 bệnh nhân nữ, tuổi từ 23 đến 63 tuổi, đều mắc bệnh thông liên nhĩ nặng bằng kỹ thuật mổ tim nội soi với công nghệ 3D. Tất cả bệnh nhân đều ổn định, phục hồi sức khỏe tốt, có bệnh nhân đã được ra viện.

Bệnh nhân phục hồi nhanh

Nếu như trước kia, việc ứng dụng hệ thống mổ nội soi camera 2D còn gặp nhiều hạn chế, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có nhiều kinh nghiệm để làm quen với các thao tác phẫu thuật dưới màn hình video. Trong một vài năm trở lại đây, hệ thống nội soi với camera 3D đã đần trở nên phổ biến, được ứng dụng vào lâm sàng phẫu thuật.

GS.TS Lê Ngọc Thành - Chủ tịch Hội phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện E là người đầu tiên thực hiện và đưa phẫu thuật tim nội soi trở thành thường quy ở Việt Nam. Ông cho biết, với kỹ thuật nội soi, giúp cho người bệnh giảm thiểu sang chấn, hồi phục nhanh, giảm đau, giảm nguy cơ nhiễm trùng, sẹo mổ nhỏ, có tính thẩm mỹ cao… Người bệnh sớm trở lại các hoạt động đời thường.

GS Thành cho biết, kỹ thuật mổ tim với công nghệ 3D mang lại hình không gian nổi, giúp các góc khuất giải phẫu trở nên rõ nét, dễ tiếp cận, phóng đại các vi mạch nhỏ, tập trung được dụng cụ phẫu thuật vào đúng vị trí cần can thiệp. Do đó, hạn chế làm chấn thương mô lành xung quanh. Phẫu thuật viên được làm việc trong không gian ba chiều giúp các thao tác phẫu thuật chính xác, nhanh chóng, thuận lợi, giảm thời gian phẫu thuật. "Việc phẫu thuật với camera 3D giúp cho các bác sĩ trẻ nhanh chóng nắm bắt và thực hiện được kỹ thuật, rút ngắn thời gian đào tạo. Chỉ sau hơn một năm hệ thống 3D được đưa vào sử dụng, gần 150 ca bệnh với nhiều loại bệnh lý: Van tim mắc phải, tim bẩm sinh, u tim… đã được phẫu thuật thành công với kết quả rất ấn tượng: Rút ngắn thời gian mổ và hậu phẫu" - GS Thành nói.

Đặc biệt, chi phí điều trị và phẫu thuật áp dụng công nghệ 3D của bệnh nhân không tăng thêm so với mổ nội soi toàn bộ thông thường (không có công nghệ 3D hỗ trợ).

Tại Trung tâm tim mạch - Bệnh viện E, các bác sĩ không chỉ ứng dụng công nghệ 3D vào phẫu thuật vá thông liên nhĩ nội soi toàn bộ mà còn triển khai áp dụng cho nhiều bệnh lý khác như sửa chữa một số dị tật tim bẩm sinh, sửa van, thay van tim, lấy các khối u trong tim, phẫu thuật bệnh lý lồng ngực… GS Thành hi vọng, trong thời gian tới, mổ tim với công nghệ 3D sẽ được thực hiện phổ biến ở các cơ sở phẫu thuật tim trong cả nước. Điều này giúp cho việc phẫu thuật tim mạch trở nên thuận lợi hơn, giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ rủi ro.