Đề án do Sở Giao thông vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư, Viện chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải- Bộ Giao thông vận tải làm đơn vị tư vấn. Đề án nhằm nghiên cứu, định hướng phát triển về số lượng phương tiện vận tải khách bằng taxi có quy mô phù hợp với sự phát triển chung của Thành phố; Đồng thời, xác định giải pháp quản lý hoạt động vận tải khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến 2030. Tính đến tháng 3/2012, số lượng phương tiện taxi đang hoạt động trên địa bàn thành phố trên 17.400 xe. Căn cứ vào mức độ phát triển của đô thị, tốc độ đô thị hoá, dự báo nhu cầu đi lại và tỷ lệ đảm nhận của các phương thức vận tải khách từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2030 của thành phố Hà Nội, dự kiến phát triển về tổng số phương tiện taxi toàn Thành phố như sau: Đến năm 2015: khoảng 20.000 xe taxi; đến năm 2020 khoảng 25.000 xe taxi; đến năm 2030 khoảng 30.000 xe taxi. Việc dự báo phân bổ và phát triển số lượng xe taxi từ nay đến năm 2030 sẽ tập trung chủ yếu phát triển các khu vực Sóc Sơn, Đông Anh và toàn bộ khu vực thuộc Hà Nội mở rộng. Đối với khu vực nội thành hạn chế tăng số lượng, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ taxi. Các giải pháp quản lý hoạt động vận tải khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm: Về điều kiện kinh doanh vận tải taxi; Giải pháp quản lý vận tải bằng GPS, tổng đài dùng chung; Giải pháp quản lý đối với phương tiện; Giải pháp về kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải khách bằng taxi; Giải pháp về nguồn nhân lực. Ngoài ra, Đề án cũng đưa ra một số giải pháp quản lý hỗ trợ khác như: Quy định về chế độ báo cáo, thống kê vận tải taxi; Chính sách về cam kết chất lượng; Ứng dụng các công nghệ GIS, ITS,… Lộ trình thực hiện đề án được chia thành các giai đoạn sau: Giai đoạn 2012-2015: Toàn bộ phương tiện kinh doanh vận tải khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội yêu cầu lắp đặt đồng hồ tính cự ly, điểm đi - điểm đến – hành trình tuyến đường, tính cước tự in hoá đơn theo hướng dẫn Cục Thuế Hà Nội; Triển khai đấu thầu số lượng taxi được tăng theo số lượng quy định của từng giai đoạn, theo tiêu chí chất lượng phục vụ tốt nhất; Toàn bộ phương tiện taxi phải được gắn thiết bị GPS để giám sát hành trình theo quy định; Phát triển hệ thống các điểm dừng đỗ cho taxi. Bố trí thí điểm các điểm dừng đỗ đón trả khách tại các trung tâm thương mại, bệnh viện, nhà ga, bến xe và những nơi có đủ điều kiện. Giai đoạn 2016-2020: Tiếp tục triển khai các giải pháp đã thực hiện giai đoạn 2012-2015; Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh taxi đảm bảo ít nhất 20% phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch trong cơ cấu đoàn xe hoạt động; Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh taxi đảm bảo ít nhất 3% phương tiện có hỗ trợ cho người khuyết tật trong cơ cấu đoàn xe hoạt động. Định hướng đến 2030: Tiếp tục triển khai các giải pháp đã thực hiện giai đoạn 2012-2020; Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh taxi đảm bảo ít nhất 50% phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch trong cơ cấu đoàn xe hoạt động; Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh taxi đảm bảo phương tiện có hỗ trợ cho người khuyết tật. UBND Thành phố giao Sở Giao thông vận tải là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện đề án.