Phê duyệt nhiệm vụ cắm mốc giới tuyến đường Vành đai 3,5

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là tuyến đường vành đai của đô thị trung tâm, trục giao thông chính kết nối chuỗi đô thị; phía Đông đường Vành đai 4, kết nối các Quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long và các tuyến đường cấp đô thị hướng tâm.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 922/QĐ-UBND, phê duyệt nhiệm vụ thiết kế cắm mốc giới tuyến đường Vành đai 3,5, đoạn từ cầu Thượng Cát đến Đại lộ Thăng Long, tỷ lệ 1/500.

Theo quyết định, tổng chiều dài tuyến đường trên khoảng 9,54km. Đây là tuyến đường vành đai của đô thị trung tâm, trục giao thông chính kết nối chuỗi đô thị; phía Đông đường Vành đai 4, kết nối các Quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long và các tuyến đường cấp đô thị hướng tâm.
Điểm đầu tuyến đường giao với đê sông Hồng (cầu Thượng Cát) và điểm cuối giao với Đại Lộ Thăng Long
Điểm đầu tuyến đường giao với đê sông Hồng (cầu Thượng Cát) và điểm cuối giao với Đại Lộ Thăng Long
Việc cắm mốc giới tuyến đường theo hồ sơ Chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt làm cơ sở tổ chức triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa phục vụ công tác quản lý mốc giới, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt; quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch và lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường đảm bảo sự đồng bộ về giao thông, hạ tầng kỹ thuật và kiến trúc cảnh quan.

Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội có trách nhiệm lập hồ sơ cắm mốc giới tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến Đại lộ Thăng Long theo đúng nhiệm vụ được UBND Thành phố phê duyệt, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, Sở ngành, cơ quan liên quan thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố về quy hoạch xây dựng. Lập dự toán kinh phí thực hiện công tác thiết kế cắm mốc tuyến đường trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định hiện hành.

Các sở, ngành, UBND huyện Đan Phượng, Hoài Đức, quận Bắc Từ Liêm có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu, số liệu liên quan để Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội làm cơ sở thiết kế cắm mốc giới tuyến đường đảm bảo khớp nối thống nhất với dự án đầu tư có liên quan trong phạm vi nghiên cứu. Sau khi hồ sơ cắm mốc giới được phê duyệt, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoài Đức và Đan Phượng tổ chức cắm mốc giới ngoài thực địa và bàn giao cho chính quyền địa phương để quản lý.

Được biết, đường Vành đai 3,5 là tuyến giao thông đường bộ quan trọng của Hà Nội, đi qua các quận và huyện Sóc Sơn, Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên. Tuyến này nằm ngoài Đường vành đai 3 Hà Nội và nằm trong Đường vành đai 4 Hà Nội so với vị trí trung tâm thủ đô Hà Nội. Tuyến đường sẽ góp phần nâng cao hạ tầng kỹ thuật khu vực thuộc huyện Đông Anh và Mê Linh, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển đô thị, khu công nghiệp, các khu dịch vụ.