Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phí đặt cọc trường tư: Cần có quy định để hài hòa quyền lợi các bên

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Mức phí đặt cọc ở trường tư là vấn đề làm đau đầu phụ huynh mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp. Trước tình trạng mức phí đặt cọc rất cao của một số trường tư thục, nhiều phụ huynh mong muốn sớm có quy định để mức thu này phù hợp với thực tế và điều kiện phụ huynh.

Phí đặt cọc “nhảy múa”

Hàng năm, Hà Nội tuyển khoảng 60% học sinh (HS) tốt nghiệp THCS vào trường THPT công lập, do đó nhu cầu học trường tư thục ngày càng cao. Để về đích đúng kế hoạch, công tác tuyển sinh ở trường tư được triển khai sớm hơn vài tháng so với trường THPT công lập.

Chỉ khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS đỗ vào trường THPT công lập
Chỉ khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS đỗ vào trường THPT công lập

Có hai phương thức tuyển sinh lớp 10 được trường tư thục áp dụng là xét tuyển (tuyển thẳng, tuyển bằng học bạ THCS) và thi tuyển (kiểm tra đánh giá năng lực). Dù tuyển bằng phương thức nào thì thông báo kết quả đến HS cũng được các trường tư triển khai nhanh chóng để sớm chốt danh sách chính thức. Nhằm hạn chế tối đa số lượng hồ sơ ảo, các trường tư đã tự đưa ra phí đặt cọc giữ chỗ hay còn gọi là phí ghi danh. Phí này đang "nhảy múa", mỗi trường mỗi khác.

Qua tìm hiểu được biết, năm học 2024 – 2025, Trường THPT Archimedes Academy, huyện Đông Anh đang có phí ghi danh cao nhất - 23 triệu đồng/HS. Một số trường khác có mức phí trên 10 triệu đồng/HS như: Việt - Úc Hà Nội, Lý Thái Tổ, Lương Thế Vinh, Sentia, Hà Nội Academy...; còn lại một số trường có mức phí đặt cọc từ 2 – 5 triệu đồng/HS.

Phí đặt cọc sẽ được khấu trừ vào các khoản như học phí, cơ sở vật chất, đồng phục… khi HS nhập học và với đa số nhà trường sẽ không hoàn trả phí đặt cọc nếu HS không theo học tại trường. Điều này ngoài được thông báo bằng văn bản hoặc thư điện tử, khi phụ huynh đến nhập học cho con, nhân viên tư vấn các trường cũng đều giải thích cặn kẽ để phụ huynh nắm rõ và tự nguyện thực hiện.

Với những HS có một mục tiêu, một nguyện vọng duy nhất là cho con vào trường tư thì việc đặt cọc không cần bàn tới bởi trước sau vẫn sử dụng số tiền này. Nhưng với những HS coi cơ hội học trường tư chỉ là phương án phụ hay phương án dự phòng thì phí đặt cọc từ chục triệu đến vài chục triệu đồng là số tiền lớn và nếu không học, phụ huynh chịu thiệt còn nhà trường là đơn vị hưởng lợi.

Nhà giáo Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lômônôxốp (Mỹ Đình) cho biết, mức phí nhập học (phí giữ chỗ) dự kiến vào lớp 10 năm học tới của trường là 5.910.000 đồng, đó là tiền cơ sở vật chất, đồng phục và một số khoản khác. Với những phụ huynh đặc biệt khó khăn có thể báo cáo lại để nhận được hỗ trợ từ phía nhà trường.

“Các trường tư chỉ muốn ai thực sự cho con học mới đóng tiền nhập học (đặt cọc) để ổn định công tác tuyển sinh. Phụ huynh được quyền rút hồ sơ trong khi các trường được giao số chỉ tiêu cứng. Việc cứ nộp hồ sơ ào ào mà không thực sự cân nhắc của phụ huynh khiến trường tư bị số lượng hồ sơ ảo quá lớn, trong khi HS thực sự muốn học lại hết chỉ tiêu. Các trường tư cũng thông báo công khai, chi tiết tiền nhập học và đều có lời khuyên phụ huynh cân nhắc kỹ trước khi nhập học và nộp tiền”, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lômônôxốp (Mỹ Đình) thông tin.

Có điều chỉnh được không?

Phí đặt cọc, phí giữ chỗ, phí nhập học… là tên gọi khác nhau của khoản thu mang tính chất thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường trên nguyên tắc tự nguyện, công khai. Đây thực ra là chi phí cơ hội nếu phụ huynh muốn con chắc chắn có môi trường học tập đúng ý.

Phụ huynh mong mức phí giữ chỗ trường tư thục sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm
Phụ huynh mong mức phí giữ chỗ trường tư thục sẽ được điều chỉnh giảm

Phụ huynh không tranh luận hay bàn cãi về khoản thu này nhưng với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là sau dịch bệnh Covid-19, mức phí quá cao của một số trường tư không khỏi làm phụ huynh băn khoăn. Nhiều người đặt câu hỏi: Nhà nước có quy định mức phí này không và mức thu phí căn cứ điều khoản nào?

Trao đổi về vấn đề trên, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: Phí giữ chỗ không có trong quy định của ngành giáo dục. Các trường tư thục hoạt động tự chủ, được tổ chức tuyển sinh sớm hơn và việc xây dựng, thực hiện các khoản thu theo nguyên tắc thỏa thuận với phụ huynh học sinh. Vài năm qua, các trường tư thục vẫn duy trì khoản thu này.

Mặc dù “không còn cách nào khác mới phải thu phí giữ chỗ” nhưng nhà giáo Nguyễn Quang Tùng cho rằng, các trường nên hài hòa lợi ích và thu phí này ở mức độ vừa phải. 

Ngược lại, theo nhà giáo Nguyễn Quang Tùng, phụ huynh cũng nên đặt mình vào vị trí của các trường tư. Nhiều phụ huynh coi trường tư là chỗ dự phòng nếu con trượt trường công lập hoặc trường chuyên, trong khi chỉ tiêu của trường tư là số lượng cứng; trường phải chịu trách nhiệm với cấp trên nếu vượt chỉ tiêu và chịu trách nhiêm với Hội đồng trường nếu chỉ tiêu không đủ. Các trường tư thường đối mặt với tình huống khi trường chuyên hoặc trường công hạ điểm chuẩn là hàng loạt học sinh rút hồ sơ chuyển đi. Lúc này trường tư tuyển bổ sung để đủ chỉ tiêu khá vất vả.

Về vấn đề phí đặt cọc, giữ chỗ trường tư, Luật sư Trần Đăng Chung, Trưởng Văn phòng Luật sư Luật và phát triển, Đoàn Luật sư TP Hà Nội bày tỏ: "Nếu phí giữ chỗ là tự nguyện và sẽ trừ vào các khoản thu trong năm học như thông báo thì khoản thu đó có tính chất như một khoản đặt cọc và là quyền của nhà trường. Trường hợp không học được hiểu như không tiếp tục giao kết (hợp đồng) và đã được thông báo trước là sẽ không được lấy lại khoản tiền (đặt cọc) cũng được xem là hợp lý. Xét về nguồn vốn và mục đích hoạt động thì việc yêu cầu phụ huynh nộp phí đặt cọc của trường tư là vấn đề thoả đáng để đảm bảo kế hoạch tuyển sinh và vận hành bộ máy của trường".

Nhiều ý kiến cho rằng, các trường tư hoạt động như một doanh nghiệp nên việc quy định về phí đặt cọc cần phải xem xét theo Luật Doanh nghiệp. Còn TS Nguyễn Tùng Lâm, chuyên gia giáo dục thì có quan điểm khác.

Theo ông, trường tư muốn ổn định tuyển sinh, hạn chế thí sinh ảo nên đưa ra phí đặt cọc. Phụ huynh cần chia sẻ cho trường nhưng ngược lại, nhà trường cũng cần thông cảm với phụ huynh; nên có mức thu vừa phải, phù hợp với tình hình kinh tế nói chung, đặc biệt nên chiếu cố với gia đình có thu nhập thấp. Hiện nhiều nhà trường đang chỉ biết quyền lợi của mình mà làm khó phụ huynh khi đưa mức phí đặt cọc quá cao. Phụ huynh phải được quan tâm và đảm bảo quyền lợi.

“Các trường tư thục hoạt động theo cơ chế tự chủ, được quyền đưa ra mức phí giữ chỗ nhưng quyền đó không phải là vô hạn. Trước đây phí này chưa có trong quy định thì giờ cần phải quy định và điều chỉnh nó để phù hợp thực tiễn; chẳng hạn đưa ra mức phí tối đa các trường được phép thu là bao nhiêu, tránh trường hợp "hét giá" vô tội vạ. Ở đây, để giải quyết tình trạng thí sinh ảo, các trường có thể lấy số dư cao để bù...”, TS Nguyễn Tùng Lâm nêu ý kiến.

 

"Việc chăm lo và chuẩn bị phương án dự phòng cho con của cha mẹ HS là chính đáng. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý đến năng lực học tập thực chất cũng như điều kiện kinh tế của gia đình để lựa chọn, quyết định nguyện vọng học tập lớp 10 phù hợp. Trên địa bàn TP hiện có nhiều loại hình trường học đáp ứng nguyện vọng học tập đa dạng của HS...", đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội.