Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phí Trạch bỏ ngỏ tiềm năng

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghề đan guột tế xuất hiện ở thôn Phí Trạch, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa đã hơn 20 năm nay.

Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, phụ thuộc vào khâu trung gian nên làng nghề vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng vốn có.
Phụ thuộc
Thu nhập chính của người dân Phí Trạch phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp. Để tận dụng thời gian rảnh rỗi sau những ngày mùa, năm 1990, người dân đã chủ động học hỏi và phát triển nghề đan guột ở địa phương. Có thời kỳ cả làng Phí Trạch nhà nào cũng làm nghề, thu hút đủ mọi lứa tuổi tham gia, từ phụ nữ, đàn ông, người già đến trẻ nhỏ, với những sản phẩm chủ yếu như khay, rổ, rá, con giống, chao đèn… Tuy đã được công nhận là làng nghề truyền thống nhưng hiện nay người dân thôn Phí Trạch vẫn khó sống được với nghề, bởi toàn bộ người dân thôn Phí Trạch làm nghề đều nhận đơn hàng gia công thuê cho các DN thuộc xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên.
 Bà Phan Thị Tỉnh đang đan guột tại gia đình
Bà Phan Thị Tỉnh là một trong những lớp thợ đầu tiên của làng nghề. Hiện gia đình bà vẫn có 5 lao động làm nghề đan guột, trung bình mỗi tháng sản xuất ra gần 1.000 sản phẩm. “Tuy đã gắn bó với nghề hơn 20 năm nay nhưng tôi cũng không biết sản phẩm của mình làm ra được bán cho ai. Nghe đâu DN sau khi thu mua về sẽ gia công lại cho phù hợp rồi xuất sang nước ngoài” - bà Tỉnh thật thà cho biết.
Nói về hiệu quả kinh tế của nghề đan guột, bà Tỉnh giãi bày: Vài năm gần đây nguồn nguyên liệu dần cạn kiệt nên giá ngày càng tăng cao. Nếu như trước đây guột có giá 3.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên thành 70.000 đồng/kg. Giá nguyên liệu tăng nhanh trong khi giá bán sản phẩm không tăng khiến thu nhập của người làm nghề thấp và bấp bênh. Hiện nay, một thợ làm cả ngày cũng chỉ có thu nhập khoảng 30.000 đồng.
Thay đổi để phát triển
Trưởng thôn Phí Trạch Nguyễn Văn Phẩm cho biết: Nghề đan guột có ý nghĩa rất lớn đối với người dân địa phương, giải quyết việc làm trong lúc nông nhàn giúp nhiều người có thêm thu nhập. Để khuyến khích làng nghề phát triển, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn mở rộng sản xuất, đồng thời mở các lớp dạy nghề. Mặt khác, nguồn lao động tại chỗ dồi dào, hạ tầng đáp ứng đủ để các cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, do tâm lý e dè, sợ thất bại nên thời gian qua, người dân chủ yếu sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ, thiếu liên kết và phụ thuộc vào trung gian. Cả làng hiện không có DN nào đứng ra thu mua hay xuất hàng trực tiếp. Từ việc không chủ động trong sản xuất nên người thợ phải nhập nguyên liệu đắt rồi lại bán sản phẩm rẻ cho DN, nhiều khi bị DN ép giá. Thu nhập không đảm bảo, đã khiến cho số lao động của làng nghề ngày càng giảm dần. Cả thôn Phí Trạch có hơn 600 hộ dân, thì nay chỉ còn khoảng 20 hộ làm nghề.
Để làng nghề Phí Trạch phát huy hết tiềm năng, nâng cao thu nhập thì yêu cầu cấp thiết hiện nay là người dân cần chủ động thay đổi hình thức sản xuất, từ manh mún, nhỏ lẻ liên kết thành các tổ hợp sản xuất lớn. Mặt khác, chủ động đưa hàng đến các hội chợ, triển lãm để quảng bá và tìm kiếm đối tác, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, đưa máy móc vào sản xuất, cải tiến, thay đổi mẫu mã để thu hút khách hàng. Chỉ khi thu nhập từ nghề tăng lên sẽ thu hút lao động quay trở lại gắn bó với  nghề.