Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phiên giải trình của Thường trực HĐND Hà Nội về quản lý trật tự xây dựng

Thọ Hải - Linh Tiên - Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/3, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức Phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND Thành phố khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng.

Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức Phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND Thành phố khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng.
 Phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND Thành phố khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng.
Dự phiên giải trình có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường Trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã. Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP và đồng chí Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP chủ trì phiên giải trình.
Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thực hiện Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Chương trình công tác năm 2019 của Thường trực HĐND TP Hà Nội, trong phiên họp Thường trực HĐND TP lần này, Thường trực HĐND TP lựa chọn nội dung về về kết quả thực hiện kết luận chất vấn tại các kỳ họp HĐND khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP, để yêu cầu UBND Thành phố và các cơ quan liên quan giải trình.

Theo Chủ tịch HĐND TP, Thường trực HĐND TP lựa chọn nội dung giải trình này trước hết bởi trong những năm qua, công tác quản lý TTXD-ĐT được TP xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Thành ủy, HĐND, UBND TP đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Đây cũng là nội dung được HĐND quan tâm giám sát, chất vấn và tái chất vấn tại các kỳ họp thứ 3, 4, 5 HĐND TP khóa XV. Sau chất vấn của HĐND, UBND TP đã tập trung chỉ đạo, ban hành kế hoạch khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác quản lý TTXD. Qua đó, đến nay nhiều công trình xây dựng đã được kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các vi phạm; các vi phạm TTXD phức tạp, nổi cộm, gây bức xức dư luận, cử tri Nhân dân đã dần được hạn chế; các vi phạm tồn đọng đã được rà soát, phân loại, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết; ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động xây dựng của người dân và tổ chức dần được nâng cao.

Qua theo dõi báo cáo cho thấy, tỷ lệ công trình có phép tăng qua từng năm: Năm 2016 đạt 95,61%, năm 2017 đạt 95,61% và năm 2018 đạt 97,9%. Trong khi, tỷ lệ công trình vi phạm TTXD giảm qua từng năm: Năm 2016 có 2.469 trường hợp, chiếm 13,5%; năm 2017 có 1.916 trường hợp, chiếm 10,99% và năm 2018 có 1.065 trường hợp, chiếm 5,22%.

 Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc phiên giải trình

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nhận định, bên cạnh những kết quả đã đạt được, TP vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề hạn chế nảy sinh phải tập trung giải quyết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thủ đô, đó là: Công tác quy hoạch, quản lý theo quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu độ thị hóa cao; công tác quản lý đất đai, quản lý TTXD có mặt còn hạn chế, yếu kém. Những vi phạm về quản lý quy hoạch như mật độ xây dựng, chiều cao công trình, kiến trúc theo dự án được duyệt vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận và Nhân dân; tiến độ xử lý còn chậm. Nhiều vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng tồn tại cũ chưa được xử lý dứt điểm tại các quận, huyện, thị xã, một số vi phạm mới tuy đã được phát hiện nhưng chưa được xử lý giải quyết kịp thời triệt để. Trên địa bàn TP vẫn còn một số công trình nhà “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng cũ chưa được giải quyết; đồng thời tiếp tục phát sinh thêm các thửa đất, công trình “siêu mỏng, siêu méo” trên một số tuyến đường, tuyến phố mới mở gây mất mỹ quan chung của TP.

Đây cũng là nội dung này nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; được nhiều cơ quan thông tấn báo chí phản ánh.

Bên cạnh đó, với mục đích thông qua giải trình, chúng ta sẽ làm rõ những tồn tại trong tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý TTXD trong thời gian vừa qua, từ đó xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm của từng cấp, từng ngành để đưa ra những giải pháp, biện pháp cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý TTXD trên địa bàn TP trong thời gian tới.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Thường trực HĐND TP đề nghị các vị đại biểu HĐND TP bám sát mục đích, yêu cầu của phiên họp; trách nhiệm, xây dựng, thẳng thắn. Cũng đề nghị UBND TP, các sở, ngành, các đơn vị liên quan có mặt, trong đó có cả 30 đội trưởng đội quản lý TTXD-ĐT của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn giải trình rõ, thẳng vào vấn đề mà đại biểu quan tâm, trong đó làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, lộ trình cụ thể, biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Truy trách nhiệm Chủ tịch UBND phường
Đặt câu hỏi tạo phiên giải trình, ĐB Trần Thị Vân Hoa (Tây Hồ): Ghi nhận sự vào cuộc tích cực của TP trong công tác xử lý vi phạm TTXD, tuy nhiên vẫn còn tồn tại các công trình xây dựng tồn tại sai phép, gây thiệt hại chung cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền, điển hình như công trình tại ngõ 61, phố Bằng Liệt. Đề nghị Chủ tịch phường Hoàng Liệt cho biết trách nhiệm cá nhân?
  ĐB Trần Thị Vân Hoa (Tây Hồ) đặt câu hỏi tại phiên giải trình
ĐB Nguyễn Thanh Bình (Sóc Sơn) cho rằng xử lý vi phạm TTXD đã có tiến triển rõ nét, tuy nhiên vẫn còn có địa bàn chưa kiên quyết, chưa làm hết trách nhiệm trong xử lý vi phạm TTXD kéo dài. Đề nghị các đồng chí Chủ tịch phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng), Chủ tịch phường Mai Động (quận Hoàng Mai), và các đồng chí Đội trưởng đội quản lý TTXD của quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai cho biết trách nhiệm của mình khi chưa xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm TTXD trên địa bàn quận?
Đại biểu Vũ Ngọc Anh (Nam Từ Liêm) đặt câu hỏi: Tại Thông báo kết luận phiên chất vấn các kỳ họp 3, 4, 5 HĐND TP, Chủ tọa Kỳ họp đã yêu cầu các quận, huyện thị xã rà soát, thống kê, phân loại và xử lý dứt điểm các công trình vi phạm còn tồn đọng. Tuy nhiên, qua khảo sát của các Ban HĐND TP vừa qua cho thấy dù UBND TP, Sở Xây dựng đã có nhiều văn bản chỉ đạo đôn đốc các quận huyện tập trung xử lý, nhưng trên địa bàn phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng), phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) vẫn còn một số công trình vi phạm chưa được xử lý: Công trình vi phạm năm 2015 tại số 107 phố Thanh Nhàn (phường Quỳnh Lôi), công trình vi phạm năm 2014 tại số 11b phố Nguyễn Xiển, vi phạm tháng 5/2018 tại 174-176 Nguyễn Xiển (phường Hạ Đình). Đề nghị Chủ tịch UBND các phường Quỳnh Lôi, Hạ Đình báo cáo nguyên nhân tại sao đến nay các công trình vi phạm này chưa được xử lý theo đúng chỉ đạo, trách nhiệm của bản thân các Chủ tịch phường và lộ trình đến bao giờ?
"Chưa đôn đốc, phân công công việc hợp lý"

Giải trình về các công trình vi phạm trên địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt – Trần Huy Hoàng cho biết, hiện các công trình sai phạm đã có quyết định xử phạt và cưỡng chế. Sau đó, các chủ nhà có đơn đề nghị tự nguyện phá dỡ. Hiện nay 2 hộ gia đình đang tháo dỡ theo quy định, đảm bảo kế hoạch.

Chủ tịch phường nhận trách nhiệm trong việc chưa đôn đốc, phân công công việc hợp lý và rút kinh nghiệm trong thời gian tới.

 Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt – Trần Huy Hoàng giải trình về các công trình vi phạm

Về vi phạm tại phường Mai Động (quận Hoàng Mai), đồng chí Nguyễn Trường Thịnh - Chủ tịch UBND phường Mai Động giải trình về công trình vi phạm của ông Nguyễn Quang Tuấn, trong đó cho biết lãnh đạo quận Hoàng Mai đã rất quan tâm xử lý đến trường hợp này. Dự kiến thời gian 20 đến 30 ngày UBND quận ban hành cưỡng chế mới thì phường sẽ thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trong tháng 4/2019. 

Ông Bùi Thanh Nhã - Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng quận Hoàng Mai cho biết thực hiện theo Nghị định 180, đã ra quyết định cưỡng chế đối với công trình của ông Nguyễn Quang Tuấn. Đến 28/8/2017, trách nhiệm của đội thanh tra đã hoàn thành, song tại thời điểm cưỡng chế do nhiều nguyên nhân mà cưỡng chế chưa dứt điểm, mà một công trình theo quy định thì không lập 2 văn bản xử phạt vi phạm hành chính, nên phải lập hồ sơ mới; Đội đã tham mưu cho quận về văn bản cưỡng chế mới.

 Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu phát biểu giải trình

Tiếp tục giải trình thêm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai - Nguyễn Quang Hiếu cho biết công trình vi phạm tại phường Hoàng Liệt vào năm 2017. Đây là thời điểm phát triển khu đô thị Linh Đàm phát triển xen lẫn khu dân cư truyền thống nên công tác quản lý TTXD còn nhiều khó khăn; cán bộ chủ quan buông lỏng dẫn tới vi phạm; cán bộ phường lúng túng trong quá trình xử lý vi phạm nên tình trạng vi phạm kéo dài.

Quận đã trực tiếp đi kiểm tra, thành lập thanh tra công vụ về công tác cán bộ, rà soát quy trình ban hành... Dự kiến trong tháng 4/2019 sẽ hoàn thành tổ chức cưỡng chế.

Phê bình phường Quỳnh Lôi vì Chủ tịch không tham gia giải trình

Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Lôi (Quận Hai Bà Trưng) - Nguyễn Thị Cúc giải trình về trường hợp vi phạm tại hộ 107 phố Thanh Nhàn. Trong quá trình bàn giao GPMB, chính quyền phường gặp khó khăn bởi gia đình chống đối quyết liệt về giải quyết chính sách…Phường đã lập biên bản, cắt điện cắt nước, nhiều lần tuyên truyền thuyết phục gia đình tháo dỡ công trình vi phạm. Lãnh đạo phường đã nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm vào tháng 12/2018. Quan điểm của phường và quận sẽ tiếp tục đôn đốc gia đình ông Son thực hiện tháo dỡ. UBND quận đã ban hành quyết định cưỡng chế, sẽ thực hiện trong tháng 6/2019.

Tại phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phê bình phường Quỳnh Lôi vì Chủ tịch không tham gia giải trình, không thể hiện kỷ cương hành chính. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng giải trình. 

 Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong giải trình

Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong cho biết, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Lôi đang được triệu tập học lớp kiến thức do TP tổ chức, cũng là lãnh đạo mới được điều động về phường, nên quận đề nghị Phó Chủ tịch phường phụ trách giải trình.

Về xử lý vi phạm tại 107 Thanh Nhàn quận đã yêu cầu Thanh tra quận thanh tra làm rõ trách nhiệm, sai phạm này xảy ra trong thời gian mở đường. "Tới đây chúng tôi sẽ thực hiện tốt kết luận thanh tra, xử lý dứt điểm sai phạm. Với công trình vi phạm tại 3B Thanh Nhàn, thực chất trên tum đó, toàn bộ mái tôn, các vi phạm đó đều đã được dỡ; còn lại tum bằng bê tông chúng tôi sẽ chỉ đạo ngay để xử lý", Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết. 

Chủ tịch UBND phường Quỳnh Mai Nguyễn Thị Oanh giải trình về vi phạm tại 3B phố Thanh Nhàn cho biết, Chủ đầu tư (CĐT) là ông Trịnh văn Minh, với giấy phép xây dựng lần 1 là 94,25m2, giấy phép lần 2 là 108,6m2. UBND phường cũng đã phối hợp với tổ thanh tra địa bàn lập biên bản và Chủ tịch UBND phường đã ban hành quyết định đình chỉ công trình, song sau khi xem xét phần vi phạm của CĐT, chúng tôi đã làm tốt tuyên truyền, CĐT đã tự giác khắc phục vi phạm được diện tích 36,7m2 trên tầng 5.

Với diện tích còn lại, UBMTTQ phường, địa bàn dân cư, chi bộ, tổ dân phố đều có văn bản kiến nghị UBND phường xem xét và UBND phường nhận thấy: Đây là CĐT vi phạm trong quá trình cải tạo chỉnh trang mặt bằng để ổn định cuộc sống, và CĐT cũng đã khắc phục một phần vi phạm. UBND phường đã có kiến nghị với UBND quận Hai Bà Trưng, Phòng Quản lý đô thị quận và các cơ quan chức năng xem xét cho công trình giữ nguyên hiện trạng cho đến khi chỉnh trang đô thị theo quy hoạch của TP.

Chấp thuận với ý kiến của phường, UBND quận đã có văn bản trình UBND TP. Với trách nhiệm của mình, năm 2016 Quận ủy cũng đã chỉ đạo Đảng ủy phường kiểm điểm thật sâu trong việc buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm này; UBND quận đã có thanh tra kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường trong việc để xảy ra vi phạm. Bản thân tôi năm đó đã kiểm điểm sâu; đơn vị và cá nhân tôi không được xem xét thi đua. Năm 2017-2018 trên địa bàn phường không để xảy ra trường hợp nào xây dựng sai phép, không phép.

Giải trình tại HĐND TP, đội trưởng Đội Quản lý TTXD quận Hai Bà Trưng Nguyễn Vinh Quang cho rằng, với 2 trường hợp vi phạm tại phường Quỳnh Lôi và Quỳnh Mai, lực lượng Thanh tra xây dựng quận đã nghiêm túc thực hiện quy trình thanh tra theo chỉ đạo của Sở Xây dựng; với các vi phạm tại thời điểm đó, chúng tôi đều đã lập biên bản vi phạm hành chính khẳng định đó là xây dựng sai phép. Nhiều năm nay, vấn đề quản lý TTXD-ĐT được quận quan tâm chỉ đạo quyết iệt. Với trường hợp vi phạm tại 107 Thanh Nhàn, đến thời điểm này chúng tôi đã tham mưu quận ban hành các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra; với trường hợp tại 3B phố Thanh Nhàn, chúng tôi cũng đã tham mưu lãnh đạo quận cũng như phối kết hợp với UBND phường Quỳnh Mai; thời gian tới, ngoài công tác tuyên truyền vận động, nếu CĐT vẫn không chấp hành, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật.

Khẩn trương triển khai xử lý vi phạm kéo dài

Về sai phạm tại công trình địa chỉ số 174, 176 phường Hạ Đình, đồng chí Hà Minh Tuấn - Chủ tịch UBND TP phường Hạ Đình thừa nhận cán bộ còn lỏng lẻo trong khâu giám sát, đồng thời xin nhận trách nhiệm thiếu sót trong công tác quản lý nên chậm xử lý vi phạm TTXD, đề xuất xử lý vi phạm trong tháng 5/2019. Với các công trình vi phạm năm 2014, qua kiểm tra rà soát hồ sơ, phường đã ban hành quyết định biện pháp khắc phục, phường đã báo cáo với quận xử lý trong thời gian tới.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn điều hành phiên chất vấn đề nghị lãnh đạo phường và quận khẩn trương triển khai xử lý vi phạm kéo dài trên địa bàn phường.

Liên quan đến hai trường hợp vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng tại phường Hạ Đình, Chủ tịch UBNDD quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu khẳng định, quận sẽ quyết liệt xử lý.

 Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu phát biểu giải trình

Đối với công trình tại số 174 - 176 Nguyễn Xiển, đã được cấp phép, nhưng xây dựng sai so với giấy phép tầng tum; Chủ đầu tư cũng đã nộp phạt hành chính. Tuy nhiên, đang trong quá trình xử lý thì Chủ đầu tư chuyển nhượng cho người khác, gây khó khăn cho công tác khắc phục hậu quả. “Công trình đang bị xử lý vi phạm không được phép chuyển nhượng. Quận sẽ kiểm tra, xem xét trách nhiệm của các bộ phận liên quan đến việc chuyển nhượng này” – ông Lưu khẳng định. Đồng thời, lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân cũng đề nghị Sở TN&MT và các đơn vị liên quan không cho phép chuyển nhượng đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng đang xử lý.

Đối với công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại số 225 Nguyễn Xiển, ông Nguyễn Xuân Lưu cho biết đã tồn tại từ năm 2014. Ông Lưu thông tin, trường hợp này trách nhiệm chủ yếu là do Chính quyền phường phát hiện chậm, không báo cáo lên quận. Quận Thanh Xuân đang tiến hành thanh tra công vụ với cán bộ, cá nhân để xảy ra vi phạm và chậm báo cáo. “Phường đề nghị lấy công chuộc tội, dự kiến đến tháng 5 sẽ xử lý xong. Nếu không xong sẽ xử lý trách nhiệm cán bộ cũ - mới, cưỡng chế xử lý dứt điểm” – ông Lưu thông tin.

Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nêu ý kiến, đối với hai trường hợp nêu trên, vi phạm đã rõ, quy định pháp luật có đầy đủ, đã vận động nhiều, cần cương quyết xử lý.

Đề nghị xử lý khẩn trương vi phạm dự án cống hóa mương Phan Kế Bính

Tiếp tục đặt câu hỏi tại phiên giải trình, ĐB Nguyễn Nguyên Quân (Hoàng Mai) đề nghị giám đốc Sở Xây dựng cho biết hiện nay những đơn vị nào trong chấp hành chỉ đạo của TP thực hiện chưa tốt? Sở có giải pháp gì để chấn chỉnh?

Các ĐB Nguyễn Minh Tuân yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng cho biết kế hoạch, lộ trình đối với các trường hợp vi phạm chưa được xử lý trước năm 2018?

ĐB Nguyễn Hoài Nam đề nghị Đội trưởng đội quản lý trật tự quận Ba Đình cho biết về trường hợp vi phạm kênh mương Phan Kế Bính bao giờ được trả lại nguyên trạng để phục vụ các bãi xe giao thông tĩnh?

Đồng thời yêu cầu giám đốc Sở Nội vụ trong tổ chức thanh tra công vụ thuộc quản lý đất đai đã làm chưa? Kết quả thế nào? Từ cuộc giải trình này thì có hướng khắc phục nào?

 Đại biểu Nguyễn Hoài Nam

Ông Đinh Quang Thắng - Đội trưởng đội quản lý trật tự xây dựng Ba Đình giải trình về trường hợp vi phạm ở kênh mương Phan Kế Bính cho biết, đến thời điểm hiện nay, quận Ba Đình đã triển khai trong tháng 6/2018, đã chỉ đạo Đội thanh tra xây dựng thiết lập hồ sơ toàn bộ các công trình vi phạm trên kênh mương; hiện còn 2 công trình sai phạm từ năm 2011, vi phạm ở nội dung cơi nới thêm phần mái tôn. Hai vi phạm này đã được quận đã chỉ đạo để GPMB toàn bộ kênh mương trong thời gian tới. 

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng trả lời về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho biết, từ khi TP được thí điểm theo Quyết định 100, đến nay mọi văn bản đều khẳng định trách nhiệm về quản lý TTXD-ĐT và xử lý các công trình vi phạm sai phép, không phép trước hết thuộc về Thanh tra Sở Xây dựng, các đội quản lý TTXD quận huyện thị xã, UBND các phường, xã, thị trấn. Nhiều năm qua, nhằm đảm bảo kỷ cương hành chính, UBND TP đã thành lập Đoàn thanh tra công vụ gồm đại diện các sở Nội vụ, Xây dựng, Tư pháp và các sở, ngành liên quan; có trách nhiệm thanh tra thường xuyên và đột xuất không chỉ trong lĩnh vực TTĐT mà mọi lĩnh vực nhằm đảm bảo kỷ cương trong quá trình giải quyết các TTHC cho các công dân, tổ chức, trong đó nhất là với những công trình dư luận xã hội đnag quan tâm.

Những năm qua, đặc biệt sau khi có Chỉ thị 08, đoàn thanh tra công vụ TP đã tăng cường, và tình hình đã có chuyển biến. Trong năm 2018, đoàn kiểm tra công vụ TP đã đôn đốc thực hiện 111 chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP liên quan đến các vấn đề cụ thể phát sinh được dư luận báo chí quan tâm, trong đó 45 vụ việc liên quan trực tiếp công tác quản lý TTXD-ĐT trên địa bàn TP theo các văn bản chỉ đạo của UBND TP và dư luận xã hội quan tâm cũng như tại kỳ chất vấn lần trước. Riêng năm 2018, Sở Xây dựng đã xử lý kỷ luật theo thẩm quyền với 28 công chức Thanh tra xây dựng, UBND TP xử lý kỷ luật theo thẩm quyền với 41 CBCCVC, trong đó: 20 chủ tịch, 11 phó chủ tịch bị xử lý từ khiển trách đến cách chức.

Tuy nhiên, còn những tồn tại đã nêu, trước hết thuộc trách nhiệm của Đội quản lý TTXD các quận huyện, Thanh tra Sở Xây dựng và UBND các xã, phường, thị trấn. Về vấn đề này, chúng tôi kiến nghị UBND TP, Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình cũng như việc tự kiểm tra, thanh tra của Thanh tra Sở, các quận, huyện. Tới đây đoàn thanh tra công vụ cũng sẽ tiếp tục tập trung thanh, kiểm tra công vụ với các vụ việc tồn tại được dư luận báo chí quan tâm; đon đốc kiểm tra các đơn vị liên quan trong thực hiện nghiêm Kế hoạch số 143 ngày 27/7/2016 của UBND TP về thực hiện Chỉ thị 08 của TP về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo TTXD-VMĐT trên địa bàn TP.

Nhiều công tình vi phạm làm ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ

Tiếp tục đặt câu hỏi liên quan đến trât tự xây dựng trên đất nông nghiêp, khu vực nông thôn, ĐB Hoàng Tú Anh (Đan Phượng) hỏi:  "Trên địa bàn huyện Hoài Đức còn tồn tại nhiều công tình vi phạm, đặc biệt tại khu vực bãi sông Đáy, làm ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ. Huyện và các cơ quan chức năng có giải pháp nào với tình trạng này?".

Hoàng Thuý Hằng đặt câu hỏi về việc qua khảo sát thực tế cho thấy có sự đùn đẩy trách nhiệm, không rõ ràng giữa cán bộ quản lý trật tự xây dựng và cán bộ phòng TN&MT, dẫn đến công tác xử lý không rõ ràng, không kịp thời, không triệt để. Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng làm rõ vấn đề trách nhiệm của các bên liên quan.

Đại biểu Hồ Vân Nga đặt vấn đề, liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp còn khá nhiều. Sở đã thanh tra và có kết luận với 30 quận, huyện, chỉ ra nguyên nhân do buông lỏng quản lý, nhiều trường hợp vi phạm chưa được lập hồ sơ xử lý. Cần làm rõ vấn đề trách nhiệm và có giải pháp cụ thể với tình trạng này?

Chủ tịch UBND xã Đồng Quang Vũ Hồng Toàn (huyện Quốc Oai) giải trình cho biết: Xã có điều kiện khó khăn, là một trong 4 xã cuối cùng về đích nông thôn mới của huyện Quốc Oai. Năm 2018, xã Đồng Quang đã xử lý 3 đợt được 45 hộ vi phạm. Trong thời gian tới, UBND huyện Quốc Oai xử lý đợt thứ 4 với 16 hộ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Riêng trong 2 năm 2017, 2018 trên địa bàn xã không có trường hợp phát sinh vi phạm. Xã đã báo cáo huyện ủy để tập trung chỉ đạo xử lý những vi phạm cũ. Chủ tịch UBND xã Đồng Quang cũng nhận trách nhiệm đối với việc xử lý các vi phạm chậm. Trong tháng 6 tới sẽ thực hiện tháo dỡ xong những công trình vi phạm

Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Đỗ Huy Chiến nhận trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm trên địa bàn huyện với cương vị của người đứng đầu huyện. Chủ tịch huyện Quốc Oai cho biết huyện đã rà soát toàn bộ các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên đất công, trong thời gian tới sẽ xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng, cương quyết ngăn chặn những trường hợp phát sinh. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã phát sinh 7 công trình trên các trường hợp vi phạm cũ do người dân vẫn tiếp tục hoàn thiện các công trình vi phạm. HĐND TP đã chỉ ra 4 công trình vi phạm đều là những công trình xã đã ra quyết định cưỡng chế.

Chủ tịch UBND xã An Thượng (Hoài Đức) Nguyễn Chí Lương thừa nhận các vi phạm trật tự xây dựng tại khu vực bãi sông Lại Dụ là có, đã tồn tại từ năm 2015, 2016. Xã đã xử lý được 2 trường hợp, còn 5 trường hợp. Năm 2016, lãnh đạo xã và cán bộ chuyên môn đã kiểm điểm sâu sắc và thi hành kỷ luật. Bãi Lại Dụ đến nay không phát sinh vi phạm mới. Xin nhận trách nhiệm và sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, phân loại, xử lý trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức thẳng thắn tiếp thu và thừa nhận trách nhiệm trong việc để tồn tại vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. “Quản lý đất đai, trật tự xây dựng là trọng tâm công tác của cả hệ thống chính trị huyện” - ông Đức khẳng định. Lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức cũng cho biết, tất cả các trường hợp vi phạm đang được phân loại để xử lý.

 Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Trọng Đông giải trình về sử dụng quản lý đất nông nghiệp, đất công ích

Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Trọng Đông giải trình về sử dụng quản lý đất nông nghiệp, đất công ích. Ông Đông cho biết: Qua năm các năm, Sở đã thành lập các đoàn thanh tra liên ngành, hiện đã có kết luận thanh tra với quản lý đất công trên địa bàn 30 quận huyện và đã công bố kết luận này. Đối với từng nhóm vi phạm như vi phạm sử dụng đất không đúng mục đích; chuyển nhượng đất trái quy định; … Sở đã đề xuất các giải pháp để xử lý. Trước 2014 tỷ lệ vi phạm là 81%, sau đó giảm xuống còn 19%. Trong kiến nghị xử lý, Sở có kiến nghị đối với cấp xã có kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch cấp huyện, xã; tạm dừng điều hành với 7 chủ tịch xã; 61 công chức địa chính ở 58 xã phường, thị trấn. Sở sẽ tiếp tục giám sát đôn đốc các quận huyện để thực hiện nghiêm xử lý vi phạm theo kết luận thanh tra. Nhân đây, Sở cũng kiến nghị với các trường hợp sau 1/1/2014 thì xử lý nghiêm theo Chỉ thị 04, không thể “chạy theo” vi phạm ở cơ sở, phải dứt điểm xử lý. 

Trả lời tại phiên giải trình, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, về nội dung ĐB Nguyễn Nguyên Quân hỏi liên quan đến giải quyết các công trình vi phạm TTXD-ĐT tồn đọng nhiều năm, dù đã cơ bản có đầy đủ chế tài xử lý, có thể khẳng định 7 quận, huyện không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND TP, vẫn để tồn đọng nhiều công trình gồm: Quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thạch Thất, Hoài Đức. Năm 2017 tại kỳ họp HĐND TP, từ 413 công trình tồn đọng (dự án, nhà dân vi phạm trên đất nông nghiệp, Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo các sở ngành quận huyện giải quyết), đến nay chúng ta đã giải quyết xử lý được 80 công trình.

Về câu hỏi ĐB nêu liên quan đến việc số lượng các công trình tồn đọng đó được báo cáo không chính xác, liên quan đến một số ngành, quận, huyện nhưng Sở Xây dựng cũng nhận trách nhiệm của mình, cũng có phần nguyên nhân do sau khi bàn giao lực lượng 1.580 người về các quận, huyện, Sở chỉ còn 78 đơn vị, với địa bàn quản lý rất rộng. Dù vậy, trong tháng 3/2019 chúng tôi sẽ vừa kiểm tra đôn đốc hướng dẫn việc thực hiện, cùng các sở Quy hoạch-Kiến trúc, Tài nguyên-Môi trường trong từng nhóm vấn đề giải quyết, nếu vượt thẩm quyền sẽ mạnh dạn đề xuất chứ không để vi phạm tiếp tục “treo”; sẽ đôn đốc tiến độ để hoàn thành giải quyết với 80 trường hợp tồn đọng này. Hiện chúng tôi với trách nhiệm của mình đã hoàn thành với 16 quận, huyện.

Về các giải pháp giải quyết 80 vi phạm tồn đọng này, có thể khẳng định hiện đã có đầy đủ quy định. Với những vi phạm trên đất nông nghiệp, với các văn bản của T.Ư trước 1/1/2018 có Nghị định 121, Nghị định 180; sau đó 1/1/2018 khi Nghị định 139 bắt đầu được áp dụng thay thế 2 nghị định trước, nhưng các quận huyện vẫn thực hiện theo 2 nghị định trước. Chúng tôi nhận thấy đa số huyện trên đất nông nghiệp đã áp dụng Kế hoạch 122 của UBND TP và Chỉ thị 04 của UBND TP về xử lý vi phạm về đất dai, xây dựng trên đất nông nghiệp công ích, đất rừng… Song nếu chỉ hạ độ cao công trình mà vẫn để chủ vi phạm “ngồi đó” thì đến năm sau vi phạm vẫn y nguyên, nhưng nếu vẫn áp dụng theo 2 nghị định 121 và 180 thì không thể giải quyết được. Chủ tịch UBND TP đã xin ý kiến của Thường trực Thành ủy, đã có chỉ đạo của Bí thư Thành ủy; Bộ Xây dựng cũng đã cho phép ban hành Quyết định 04 nêu rõ trách nhiệm của các sở chuyên ngành, kể cả các CĐT, đơn vị thi công, đơn vị giám sát…, đã được ban hành từ 18/3/2014, thực tế đã được thực hiện nghiêm.

 Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục  trả lời tại phiên giải trình

Về 80 công trình vi phạm tồn đọng, trong tháng 4/2019 Sở Xây dựng sẽ trình UBND TP kế hoạch cố gắng giải quyết, không nên để “treo” nữa, trong đó chủ trương là mạnh dạn đề xuất giải pháp xử lý, giám sát chặt chẽ với những công trình vi phạm phát sinh, làm rõ trách nhiệm từ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sở, ngành, quận, huyện...

Xử lý dứt điểm các công trình vi phạm

Thay mặt UBND TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trân trọng cảm ơn các đại biểu đã chọn vấn đề công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP để đưa ra phiên giải trình hôm nay.

Báo cáo thêm để nhằm làm rõ phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP nêu thực trạng về sai phạm TTXD trên địa bàn TP chủ yếu ở 4 nhóm là: vi phạm TTXD ở công trình dự án do Chủ đầu tư là công ty; vi phạm của cá nhân hộ gia đình; vi phạm trên đất nông nghiệp (đất công do UBND xã quản lý, đất giao cho các hộ làm nông nghiệp); phát sinh đối với TTXD với nhà siêu mỏng siêu méo; vi phạm trật tự quản lý tại các khu rừng phòng hộ. Những vi phạm diễn ra trong thời gian ở nhiều mức độ khác nhau, nhiều công trình gây ra nhiều bức xúc cho cử tri; cũng đã có sự chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, của cả hệ thống cơ quan báo chí T.Ư và TP, có nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri trên địa bàn,…

Trước tình trạng đó, Thành ủy đã có Chỉ thị 08 để lãnh đạo các cấp lập lại TTXD. UBND TP đã ban hành nhiều biện pháp và lộ trình giải quyết cụ thể. Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP cho rằng một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là việc phát hiện vi phạm ở cơ sở không kịp thời, thậm chí có biểu hiện bao che làm ngơ cho những vi phạm của cán bộ cơ sở.

Nhận thấy điều đó, TP đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho TP thí điểm sắp xếp lại Đội thanh tra quản lý xây dựng. Tiếp đó tổ chức nhiều đoàn thanh tra công vụ để rà soát lại những kiến nghị của cử tri. Đồng thời, tiếp nhận các đơn thư khiếu nại của người dân, phản ánh của báo chí để tiến hành kết luận của Thanh tra. Từ đó đến nay đã có 10 công trình vi phạm đã chuyển Công an. Trên cơ sở tổ chức kiểm tra cụ thể rà soát các vi phạm trên địa bàn đến tháng 6/2016, TP yêu cầu từng đơn vị tiến hành khắc phục, đến nay đã khắc phục được 500 công trình.

Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng chỉ rõ trong 3 năm vừa qua vẫn có những công trình phát sinh và vi phạm nghiêm trọng. Về vấn đề này, có trách nhiệm của chính quyền của các cấp, của UBND TP và của Chủ tịch UBND TP.

Để khắc phục, UBND TP tiếp tục rà soát các nội dung kết luận của Thanh tra TP, tiếp tục cử các đoàn thanh tra. Đặc biệt, UBND TP đã đôn đốc Thanh tra TP đã có công bố kết luận với vi phạm tại rừng Sóc Sơn để UBND huyện Sóc Sơn và 9 xã trên địa bàn huyện, Sở NN&PTNT và Sở Xây dựng xử lý dứt điểm các vi phạm này.

Liên quan các công trình do chủ DN vi phạm, TP đã cương quyết với những chủ công trình này phải khắc phục xử lý những vi phạm, nếu không sẽ không có chủ trương cấp phép đầu tư các dự án mới.

Đối với những công trình vi phạm qua các thời kỳ khác nhau, như mương Phan Kế Bính và mương Nguyễn Khánh Toàn, Chủ tịch UBND TP cho biết: Tháng 6/2018 TP đã chỉ đạo xử lý xong, hiện còn 2 công trình vẫn đang tồn tại do còn thời hạn hợp đồng. Chủ công trình cũng cam đoan sẽ tháo dỡ khi hết thời hạn hợp đồng, phù hợp với tiến độ dự án cống hóa mương. “Tinh thần của TP là cương quyết, không châm chước bất kỳ trường hợp nào” – Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên giải trình

Hiện nay, tình trạng vi phạm trên đất nông nghiệp còn diễn biến phức tạp. TP cho rằng tình trạng này là do cán bộ cơ sở buông lỏng quản lý, cấp TP cũng không thanh tra không kịp thời. Đã có 98 cán bộ Chủ tịch, Phó chủ tịch xã phường bị kỷ luật và cách chức, nhiều cán bộ thanh tra đã bị xử lý vì để xảy ra vi phạm. Thậm chí, theo báo cáo, có những trường hợp có dấu hiệu tội phạm làm giả giấy tờ, hợp pháp hóa những sai phạm này. Vì thế, Công an TP sẽ xử lý nghiêm những trường hợp dung túng hợp pháp hóa những công trình vi phạm.

Chủ tịch UBND TP cho biết: Trên địa bàn TP hiện còn 132 công trình nhà siêu mỏng siêu méo tồn tại. Ngoài việc khắc phục những vi phạm, trong thời gian tới, khi tiến hành đo đạc, TP sẽ tập trung GPMB cho người dân đối với những mảnh đất 30m không đủ xây nhà, để trồng cây hoa. Đối với những vi phạm mới, TP sẽ chỉ đạo Chủ tịch các cấp xử lý dứt điểm các công trình vi phạm.

Nhân đây, Chủ tịch UBND TP mong muốn đại biểu HĐND TP tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện các kế hoạch của TP đối với 4 nội dung phiên giải trình đưa ra. Đồng thời đề xuất với đoàn giám sát tối cao của Quốc hội cần phải có chế tài xử lý mạnh mẽ đối với chủ thầu xây dựng và cá nhân xây dựng để xảy ra vi phạm.

Chủ tịch UBND TP cũng mong muốn HĐND TP chỉ đạo HĐND các quận huyện cùng cử tri vào cuộc giám sát những nội dung trên. Đồng thời cho biết, trong 1/7/2019, UBND TP sẽ ra mắt Cổng thông tin để tiếp nhận và trả lời các phản ánh của người dân về những vấn đề TTXD, TTGT, ứng xử văn hóa…để hạn chế thấp nhất tiến tới khắc phục hoàn toàn những vi phạm trên địa bàn TP.

Kiểm tra, giám sát lại hoạt động của các đội quản lý TTXD ở quận, huyện

Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của các đội quản lý trật tự xây dựng ở các quận, huyện, thị xã: “Cho dù các đội này qua nhiều lần thay đổi mô hình hoạt động nhưng luôn có nhiệm vụ quan trọng nhất là kiểm tra, lập biên bản, lập kế hoạch và báo cáo UBND xử lý vi phạm. Thực tế hiện vẫn tồn tại 80 công tình vi phạm cũ tại 7 quận, huyện, đến năm 2018 vẫn không nhúc nhích chút nào, rõ ràng trách nhiệm trước hết của các đội quản lý TTXD quận, huyện, cần khắc phục ngay”.

Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình đầu năm 2019 với chủ đề rất được quan tâm là quản lý TTXD-ĐT trên địa bàn TP, thực sự đã thành công thể hiện trước hết ở việc lựa chọn đúng chủ đề, bởi đã được HĐND TP chất vấn rất nhiều phiên, cử tri gửi rất nhiều câu hỏi và HĐND TP rất quan tâm chỉ đạo qua rất nhiều kỳ. Tại phiên giải trình, các đại biểu được triệu tập đã đến rất đầy đủ, tham gia trách nhiệm; đặc biệt ngoài chủ tịch quận, huyện, thị xã còn có 25 chủ tịch xã, phường, thị trấn và lần đầu tiên HĐND TP mời 30 đội trưởng đội quản lý TTXD trên địa bàn tham gia. Điều này thể hiện hoạt động của HDNĐ TP luôn bắt đầu từ các cơ sở và muốn có chuyển động ngay từ cơ sở. Thứ hai, thành công của phiên giải trình còn thể hiện ở chỗ: Mục tiêu của phiên giải trình là tìm ra nguyên nhân của những tồn tại, giải pháp và lộ trình thực hiện giải quyết các vi phạm TTXD-ĐT, nếu các phiên giải trình trước việc trả lơi còn vòng vo hơn, nhất là trả lời của lãnh đạo các quận, huyện, xã, phường, thì lần này qua 17 câu hỏi và 22 lượt trả lời của Chủ tịch UBND TP cho đến các đại diện sở, ngành, quận, huyện, xã, phường… cho thấy đã trả lời thẳng vào vấn đề, nhận trách nhiệm, nêu rõ nguyên nhân và đưa ra lộ trình. Như vậy, phiên giải trình đã đạt yêu cầu đề ra, đáp ứng đòi hỏi của cử tri và mong muốn của đại biểu.

Theo Chủ tịch HĐND TP, vấn đề quản lý đô thị nói chung và TTXD nói riêng được Thành ủy-HĐND-UBND TP thường xuyên quan tâm, trong đó Thành ủy chỉ đạo, có chỉ thị, có nghị quyết, có giao ban; UBND TP có các kế hoạch, chọn làm chủ đề nhiều năm; HĐND TP qua 3 kỳ giám sát liên tục và có những nghị quyết chuyên đề riêng. Trong chương trình của Thành ủy vừa rồi đi kiểm tra các đơn vị, Thường trực Thành ủy cũng đã đi kiểm tra về thực hiện nhiệm vụ này. Các quận, huyện cũng rất quan tâm và có chuyển động tích cực, trong đó rất nhiều nơi phát hiện, phân loại và xem xét xử lý trách nhiệm nhiều cán bộ. Chính điều đó đã tạo chuyển biến rõ nét trong diện mạo đô thị, khang trang sạch đẹp hơn.

Mặc dù vậy, Chủ tịch HĐND TP nhất trí với ý kiến Chủ tịch UBND TP về việc vẫn còn tồn tại nhiều vi phạm TTXD-ĐT, được chia ra làm 4 nhóm: Các công trình vi phạm lâu rồi nhưng chưa được xử lý, hoặc công trình không những không bị xử lý mà còn phát sinh vi phạm mới ngay trên đó; các vi phạm mới hoàn toàn không bị xử lý; vi phạm trên đất nông nghiệp; và một vấn đề hoàn toàn mới là các công trình vi phạm tại các khu đô thị. Với loại vi phạm thứ tư này, HĐND TP đưa ra tại phiên giải trình để UBND TP có giải pháp chỉ đạo xử lý nghiêm, bởi hiện nay với các vi phạm này, giữa chính quyền địa phương và chủ đầu tư không rõ ràng trách nhiệm quản lý, dẫn đến hoàn toàn xây dựng tự do: Chủ đầu tư không quản lý, phường xã thì bảo chưa được bàn giao, nên nếu chúng ta không chỉ đạo trực tiếp thì sẽ lại bức xúc.

Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho hay, vừa qua Thường trực HĐND TP tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề về lĩnh vực này cho thấy rất nhiều ý kiến đặt vấn đề: “Tại sao rất nhiều nhà xây sai so với thiết kế, sai quy hoạch mà vẫn được cho tồn tại, trong khi chúng tôi thực hiện đúng luật, đúng quy định thì lại bị thiệt thòi?” Do đó, Thường trực HĐND TP hoàn toàn nhất trí với các giải pháp của Chủ tịch UBND TP đưa ra tại phiên giải trình, đồng thời cũng cho rằng: Thành ủy đã rất quan tâm chỉ đạo, song chủ tịch UBND một số quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn chưa làm hết trách nhiệm, buông lỏng quản lý, xử lý chưa nghiêm với các vi phạm.

Đặc biệt, theo Chủ tịch HĐND TP, cho dù các đội quản lý TTXD đã có 3 lần thay đổi mô hình nhưng luôn có nhiệm vụ quan trọng nhất là kiểm tra, lập biên bản, lập kế hoạch và báo cáo UBND xử lý vi phạm. Thực tế hiện vẫn tồn tại 80 công tình vi phạm cũ tại 7 quận, huyện, đến năm 2018 vẫn không nhúc nhích chút nào, rõ ràng trách nhiệm trước hết của các đội quản lý TTXD quận, huyện, cần khắc phục ngay.

Dù chuyển đổi mô hình nhưng nếu các đồng chí cứ làm đủ hết 7 nhiệm vụ được nêu trong các nghị định thì chắc chắn không thể công trình vi phạm nào có thể phát sinh.

"Có ý kiến đã đặt vấn đề rất xác đáng: Một gia đình xây nhà nếu chỉ đẩy 1 xe cát vào thì cán bộ quản lý TTXD đã biết, nhưng tại sao có những nhà xây to như con voi mà lực lượng này lại không biết? Rõ ràng, các đồng chí làm chưa hết trách nhiệm, chỉ lập biên bản báo cáo rồi để đó, không xử lý. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do phối hợp của các sở, ngành với quận, huyện trong kiểm tra, đôn đốc xử lý từng trường hợp; còn tình trạng mỗi đồng chí trả lời một cách và đổ trách nhiệm cho sở khác chứ không phải của sở mình”, Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.

 Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn điều hành Phiên giải trình

Nhất trí với các đề xuất của UBND TP, Chủ tịch HĐND TP cũng đề nghị các chủ tịch, bí thư tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp được nêu trong Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Thành ủy, TP sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần thực hiện các giải pháp mạnh hơn trong quản lý TTXD-ĐT và đặc biệt tăng trách nhiệm của các đội quản lý TTXD - không có lý do gì đổ trách nhiệm cho ai. Đồng thời, các địa phương cần kiên quyết áp dụng các biện pháp xử lý dứt điểm những tồn tại cũ, không cho phát sinh mới, xem xét trách nhiệm các đội trưởng quản lý TTXD, lãnh đạo các phòng trong việc quản lý này. “Mới hơn 2 tháng đầu năm nay đã phát sinh 65 công trình vi phạm chưa xử lý, hầu như mới làm các công việc về hành chính; năm 2018 vẫn dù làm rất mạnh nhưng vẫn phát sinh 21 trường hợp siêu mỏng, siêu méo. Đề nghị kiên quyết lập lại trật tự kỷ cương; HĐND TP sẽ có chuyên đề riêng để tiếp xúc cử tri và kiểm tra, giám sát lại hoạt động của các đội quản lý TTXD ở quận, huyện. Các đồng chí này chưa làm tròn trách nhiệm”, Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ.

Riêng với 176 công trình vi phạm TTXD còn tồn đọng, Chủ tịch HĐND TP đề nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo thực hiện nghiêm, đặc biệt với các công trình trên đất nông nghiệp. Về các chế tài xử lý, căn cứ Luật Thủ đô, nhiều lần HĐND TP đã đề xuất tăng xử phạt này, và đến giờ đã là lúc cần làm, nên đề nghị Chủ tịch UBND TP giao các ngành chuẩn bị, HĐND TP sẽ thông qua mức xử phạt.

Về phía các cấp ủy, cần đổi mới công tác tuyên truyền tới Nhân dân, từ Nhân dân để phát hiện những công trình vi phạm nhằm xử lý ngay từ đầu, nghiêm túc xử lý người không chấp hành. Cùng với đó, Thành ủy cũng cần chỉ đạo các ban đảng phối hợp với HĐND kiểm tra những cơ sở đảng, tổ chức cố tình không thực hiện nhiệm vụ, hoặc chậm trễ, kéo dài, hoặc cố tình để vi phạm mới xảy ra; trong đó Ban Nội chính, UBKT Thành ủy cần cùng HĐND TP giám sát, kiểm tra. Ngoài ra, UBND TP cần chỉ đạo các sở rà soát lại chức năng nhiệm vụ trong quản lý TTXD, đất đai để rõ trách nhiệm, kể cả với đất rừng trong phạm vi được phép.