Philippines quyết giải phóng Marawi vào ngày Độc lập

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình giao tranh tại thành phố Marawi giữa quân đội Philippines và lực lượng phiến quân Maute đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, giới chức quân đội nước này đặt quyết tâm hoàn thành mục tiêu kết thúc chiến dịch giải phóng Marawi trong ngày Quốc khánh của Philippines 12/6.

Nhóm phiến quân Maute đã tấn công và chiếm đóng thành phố Marawi trên đảo Mindanao, miền nam Philippines từ hôm 23/5. Để đối phó với tình hình trên, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ban bố lệnh thiết quân luật trên đảo Mindanao nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang leo thang nhanh chóng tại đây. Ông Duterte tuyên bố sẽ mạnh tay trấn áp với với khủng bố, đồng thời khẳng định, thiết lập thiết quân luật ở Mindanao “không khác gì” lệnh giới nghiêm được áp dụng dưới thời cựu Tổng thống Ferdinand Marcos.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ban bố lệnh thiết quân luật trên đảo Mindanao nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ lực lượng IS. Ảnh: Strait Times   
Giới phân tích chính trị nhận định, việc ông Duterte tuyên bố áp dụng thiết quân luật tại đảo Mindanao thể hiện thái độ cứng rắn trong cách đối phó với phần tử khủng bố. Từ đầu những năm 1970, người dân Philippines từng trải qua hơn một thập kỷ chịu đựng lệnh giới nghiêm do cựu Tổng thống Ferdinand Marcos ban hành trong giai đoạn rối ren của đất nước.
Các cuộc giao tranh giữa quân đội và phiến quân suốt 3 tuần qua tại thành phố Marawi khiến gần 200 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải sơ tán. Lực lượng quân đội Philippines hiện đang dốc hết sức lực và tiếp tục nỗ lực để giải phóng Marawi. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song người phát ngôn của quân đội Philippines, Chuẩn tướng Restituto Padilla cho biết, số lượng các phần tử khủng bố tại thành phố Marawi đang giảm đi từng ngày. Theo giới quân sự Philippines, hiện phiến quân Maute chỉ còn kháng cự ở vài khu vực nhỏ. Tuy nhiên, các nhà phân tích đưa ra nhận định lực lượng quân đội Philippines thiếu kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường đô thị, nơi mà phiến quân Hồi giáo đang hòa nhập vào hàng trăm thường dân.
Giới chức quân đội Philippines đặt quyết tâm hoàn thành mục tiêu kết thúc chiến dịch giải phóng Marawi trong ngày Quốc khánh 12/6. Ảnh: Reuters 
Tổng thống Duterte đã hai lần ấn định thời hạn chót cho lực lượng quân đội Philippines về việc giành lại Marawi. Thế nhưng, các thời hạn chót này đã trôi qua và cuộc chiến đẫm máu ở thành phố Marawi vẫn tiếp diễn. Giới phân tích đánh giá sau khi nhậm chức, Tổng thống Rodrigo Duterte do quá tập trung vào chiến dịch chống ma túy nên đã bỏ qua mối hiểm họa Hồi giáo cực đoan đang hoành hành ở miền nam nước này. Giáo sư Zachary Abuza, một chuyên gia người Mỹ về các vấn đề an ninh ở Đông Nam Á, nói: "Chính phủ Philippines đã làm ngơ trước sự phát triển của ISIS và các nhóm liên kết”.
Các nhà phân tích nhận định mối đe dọa ngày càng gia tăng ở miền nam Philippines có thể sẽ buộc Tổng thống Duterte cải thiện quan hệ với Mỹ. Trước đó, lãnh đạo Các lực lượng vũ trang Philipines cũng đã yêu cầu Tổng thống Duterte không nên giảm hợp tác quân sự với Mỹ để chống khủng bố.
Việc phiến quân Hồi giáo chiếm thành phố Marawi đã đánh dấu một bước tiến đáng kể của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông cũng như làm nổi bật nguy cơ chiến tranh ở miền nam Philippines. Các nhà phân tích chính trị cho rằng nếu cuộc chiến ở Marawi kết thúc vào ngày 12/6 như quân đội Philippines hy vọng, cuộc nổi dậy ở miền nam nước này vẫn còn tiếp diễn.
Bởi nếu trong trường hợp thất bại, chiến dịch đánh chiếm thành phố Marawi của nhóm phiến quân Maute vẫn thu hút được các phần tử hâm mộ trong khu vực - bao gồm các thành viên của các nhóm nổi dậy Hồi giáo khác vốn bất mãn và không hài lòng với tiến trình hòa bình bị đổ vỡ ở miền nam Philippines.
Theo giáo sư Abuza, nếu Tổng thống Duterte không giải quyết được nguyên nhân cốt lõi thì vấn đề nổi dậy ở miền nam Philippines sẽ vẫn còn tồn tại trong một thời gian rất dài. "Những khu vực “vô chính phủ” trên đảo Mindanao là "mối đe dọa an ninh đối với cả khu vực, chứ không chỉ là mối đe dọa an ninh đối với riêng Philippines", ông Abuza nói.