Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu, được tổ chức nhằm đánh giá, phân tích vai trò, đóng góp quan trọng của việc thực hiện “Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030”. Tại Hội thảo, nhiều ý kiến tập trung vào việc đánh giá những chuyển dịch trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá (CNVH); những hạn chế, bất cập trong phát triển các ngành CNVH hiện nay.
Nhiều dư địa chưa khai thác
Sau 7 năm thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (năm 2016); hơn 2 năm thực hiện Chiến lược văn hoá đến 2030 (từ 2021), số liệu thống kế chưa đầy đủ từ Cục Bản quyền tác giả, cho thấy, các ngành CNVH đóng góp đóng 4% GDP; tạo ra khoảng 6,1% lực lượng lao động cả nước. Tuy nhiên, tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển CNVH chưa được khai thác.
Đơn cử ở lĩnh vực điện ảnh, dù đã có những bộ phim bom tấn, doanh thu trăm tỷ như “Bố già”, “Hai Phượng”, “Lật mặt”… nhưng chủ yếu của các đơn vị tư nhân. Thị trường điện ảnh Việt Nam, tuy được coi là một thị trường phát triển “nóng” nhưng thiếu tính bền vững và cạnh tranh chưa lành mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư Ngô Phương Lan: So với mục tiêu trong Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam (2013) và Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam (2016), doanh thu điện ảnh tại Việt Nam năm 2018 vượt chỉ tiêu năm 2020, nhưng chưa đạt chỉ tiêu xuất khẩu phim Việt ra nước ngoài. Trong nhiều năm qua, các cơ quan Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ đưa phim Việt ra thị trường quốc tế. Hầu hết phim bán được ra nước ngoài đều do các công ty tư nhân tự xoay xở một cách nhỏ lẻ và đơn độc.
Đối với lĩnh vực nhiếp ảnh, các chuyên gia cũng cho rằng, lực lượng sáng tạo ra tác phẩm nhiếp ảnh rất lớn nhưng số lượng tác phẩm biến thành sản phẩm còn nhỏ lẻ, manh mún.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông cho biết: “Hàng năm, Bộ VHTT&DL tổ chức Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Việt Nam có 16.000 – 20.000 ảnh nộp tham dự. Hội Nghệ sĩ ảnh Việt Nam tổ chức Cuộc thi Ảnh nghệ quốc tế cũng gần có khoảng 20.000 ảnh tham gia; ngoài ra chúng tôi còn tổ chức cuộc thi ảnh ở 8 khu vực, mỗi nơi nhận hàng nghìn tấm ảnh… Hội nghệ sĩ có trong tay hàng trăm nghìn tác phẩm, những số lượng tác phẩm thành sản phẩm rất nhỏ lẻ. Thực tế hiện nay, lĩnh vực nhiếp ảnh không có nhà đầu tư, thị trường chưa hình thành”.
Khai thông nguồn lực
Do tính đặc thù đa dạng và phức tạp của văn hóa, cũng như điều kiện cụ thể của đất nước, sự phát triển của văn hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáng ứng được sự mong đợi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn thể Nhân dân. Theo các chuyên gia, một trong những điểm nghẽn chưa tháo gỡ tốt là chưa khai thông được nguồn lực xã hội cho văn hóa.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Điều này không chỉ bởi vì hoàn cảnh đất nước mà còn vì chính sách huy động nguồn lực cho văn hóa chưa đủ thông thoáng, trong đó có nhận thức về cách huy động nguồn lực xã hội chưa thật phù hợp với bối cảnh nền kinh tế thị trường, ở đó lợi ích là yếu tố cốt lõi, quan trọng nhất để huy động sự quan tâm của mọi người, trong khi văn hóa là một lĩnh vực ít thấy lợi ích kinh tế trước mắt, đầu tư lớn, thu hồi vốn lâu, nhiều khi bị xem là một hình thức đầu tư mạo hiểm.
Vì vậy, theo các chuyên gia, cần có một cách tiếp cận mới để giải quyết những vấn đề khó khăn mang tính muôn thủa của văn hóa. “Đầu tư công - quản trị tư” có thể được xem là một giải pháp đáp ứng được yêu cầu.
Trên thế giới, “đầu tư công - quản trị tư” là một hình thức quản lý văn hóa khá phổ biến. Ví dụ tại nước Anh và một số nước phát triển khác, trong lĩnh vực văn hóa, mô hình quản lý “cánh tay nối dài” là một nguyên tắc nhằm bảo đảm sự độc lập và tự chủ của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật.
Ở mô hình này, tổ chức văn hóa, nghệ thuật công lập hoặc ngoài công lập, hoạt động với một mức độ tách biệt so với Chính phủ hay các bên liên quan khác trong việc ra quyết định, xây dựng chương trình và tài trợ.
Về mặt thực tiễn, mô hình cánh tay nối dài thường bao gồm việc thành lập hội đồng nghệ thuật hoặc cơ quan điều hành độc lập cho các tổ chức văn hóa, nghệ thuật. Những hội đồng này bao gồm những người đại diện cho những chuyên môn phù hợp, chẳng hạn như nghệ sĩ, chuyên gia ngành công nghiệp, đại diện cộng đồng và doanh nhân. Họ có trách nhiệm đưa ra quyết định chiến lược, lập chính sách và giám sát hoạt động của tổ chức văn hóa, nghệ thuật. Hơn nữa, việc tài trợ cho các tổ chức văn hóa dưới mô hình cánh tay nối dài thường được xác định thông qua quy trình cạnh tranh và minh bạch.
Để hình thành nên hệ thống các giải pháp tổng thể rất cần thiết để hiện thực hóa mô hình “Đầu tư công - quản trị tư”, theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là của đội ngũ lãnh đạo, quản lý; xây dựng và hoàn thiện chính sách và khung pháp lý cho mô hình; tạo môi trường thúc đẩy đầu tư tư nhân; tạo điều kiện hình thành và phát triển các quỹ tài trợ văn hóa, quỹ tín thác của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật…
Qua đó thúc đẩy sự kết nối giữa nguồn lực (tài chính và con người) công và tư, tạo ra cơ hội cho việc đầu tư vào các dự án văn hóa đa dạng và thúc đẩy sự phát triển của ngành văn hóa. Không chỉ đơn thuần là việc cung cấp nguồn lực, mô hình này còn thúc đẩy sự gắn kết xã hội, từ chính quyền trung ương, địa phương đến DN và cộng đồng.