Phó Chủ tịch HĐND Thành phố: Sớm có chế tài xử lý mạnh với đối tượng cố tình vi phạm trong thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà nêu rõ, với những đối tượng cố tình vi phạm trong thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử của Thành phố, dứt khoát phải có chế tài mạnh để xử lý. Sở VH&TT cần rất sát sao, đeo bám, chủ động sớm xây dựng dự thảo quy định về xử lý vi phạm căn cứ trên quan điểm của UBND TP, chứ không chờ nghị định của Trung ương; tham mưu Thành phố tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện 2 bộ quy tắc...

Sau một số buổi khảo sát thực tế, sáng nay (23/9), đoàn khảo sát của HĐND TP Hà Nội về kết quả triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) trong các cơ quan thuộc TP và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP do Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà chủ trì đã có buổi làm việc với đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.

 Quang cảnh buổi làm việc giữa đoàn khảo sát của HĐND TP với các sở, ngành về kết quả thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử

Tại đây, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình thay mặt các thành viên đoàn khảo sát cho hay, qua khảo sát thực tế tại 5 cơ quan hành chính và 5 điểm công cộng trên địa bàn TP cho thấy, sau hơn 3 năm TP ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử này, cơ bản công tác tuyên truyền, hướng dẫn CBCCVC và Nhân dân thực hiện ngày càng bài bản, rộng khắp, có chiều sâu, hình thức phong phú hơn; xây dựng được nhiều mô hình thực hiện quy tắc ứng xử nhất là trong CBCC giải quyết TTHC, xây dựng cơ quan văn hóa thực thi trách nhiệm của CBCCVC, thực hiện trong các đoàn thể, dân cư… Sau phiên giải trình do HĐND TP tổ chức tháng 3/2018 về việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử đến nay cơ bản trên địa bàn TP không xảy ra vụ việc nóng được phản ánh. Việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng xuất hiện những tấm gương điển hình được tuyên truyền rộng rãi.

Mặc dù vậy, trong thực hiện Quy tắc ứng xử của CBCCVC còn hạn chế nổi bật là chất lượng giải quyết TTHC chưa chuyển biến rõ nét, thể hiện qua thực tế và các chỉ số được đánh giá như PAPI. Với một số nội dung qua các đợt giám sát, phiên giải trình của HĐND TP đặt ra thì chưa được khắc phục triệt để; công tác tuyên truyền có các mô hình chưa sâu rộng xuống mọi tầng lớp dân cư mà chủ yếu mới thông qua hội nghị, cuộc thi…, nên chưa có cách thức triệt để giúp thẩm thấu vào người dân. Đồng thời, công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện 2 bộ quy tắc chưa được tiến hành thường xuyên.

Đại diện các sở, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội như Hội LHPN TP, Hội Nông dân TP, Thành đoàn Hà Nội, Sở Nội vụ, Sở VH-TT, Ủy ban MTTQ TP… và các ban của HĐND TP đã cung cấp thêm thông tin làm rõ kết quả đạt được cũng như tồn tại, vướng mắc, kiến nghị trong thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử này.

Từ lắng nghe các ý kiến, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà bày tỏ đồng tình với đánh giá của đoàn khảo sát, trong đó khẳng định: Qua thời gian triển khai thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử của TP,có thể thấy tại các tổ chức hội như phụ nữ, thanh niên, nông dân… triển khai rất tốt, từ công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đến việc đưa ra các mô hình thực sự hiệu quả, phù hợp thực tiễn từng địa phương, đơn vị, đối tượng. Từ đó, ý thức của người dân nhất là khu vực nông thôn được nâng cao. Trong các cơ quan TP, ý thức của CBCCVC cũng được nâng lên rõ rệt; việc thực hiện quy tắc ứng xử ngấm vào việc thực thi công vụ của CBCC cấp xã khi phục vụ người dân, doanh nghiệp; các chương trình của hội, tổ chức đoàn thể cũng gắn liền với việc thực hiện ứng xử văn hóa của người dân nông thôn… Những điều đó thể hiện hiệu ứng tích cực của việc thực hiện 2 bộ quy tắc.

 Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu kết luận

Tuy nhiên, thống nhất với những hạn chế đoàn khảo sát nêu ra trong đó nhấn mạnh vào hạn chế chủ quan của các đơn vị, Phó Chủ tịch HĐND TP đề nghị để tiếp tục thực hiện 2 bộ quy tắc này hiệu quả, thiết thực và đi vào thực tiễn hơn, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền vận động người dân, CBCCVC bằng nhiều hình thức hơn, nhất là hình thức trực quan và trên báo đài, website, fanpage… của các đoàn, hội nhằm tạo hiệu ứng tốt, bởi đây là lực lượng rất đông, truyền tải nhanh tiếng nói đến các hội viên, đoàn viên. Đồng thời, đề nghị các cơ quan báo chí truyền hình tăng trang, chuyên mục, chuyên đề về các nét đẹp trong hành vi, ứng xử của người Hà Nội, đồng thời phê phán những hình ảnh chưa đẹp cũng như tạo động thái để đại diện các cơ quan liên quan lên tiếng; nếu khó khăn trong tuyên truyền thì đề xuất sở ngành liên quan tăng cường kinh phí. Cùng đó, các đơn vị cần gắn công tác tuyên truyền 2 bộ quy tắc này với giáo dục pháp luật, vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, kiểm tra việc thực hiện các mô hình hiệu quả đến đâu… Đặc biệt, với việc thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học mà đối tượng là học sinh-sinh viên còn hiện tượng không đẹp như đánh nhau, chửi bậy… cũng cần được tập trung phản ánh, phê phán. Đồng thời, lồng ghép việc tuyên truyền thực hiện 2 bộ quy tắc vào các cuộc sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt tổ dân phố, trong đó Sở VH&TT tham mưu nội dung, tránh đơn điệu.

Với các vướng mắc được nêu ra nhất là về chế tài xử lý vi phạm trong thực hiện 2 bộ quy tắc, Phó Chủ tịch HĐND TP cho rằng với những đối tượng cố tình vi phạm dứt khoát phải có chế tài xử lý. Sở VH&TT cần rất sát sao, đeo bám, chủ động xây dựng dự thảo quy định về xử lý vi phạm này căn cứ trên quan điểm của UBND TP, chứ không chờ nghị định, hướng dẫn của Trung ương; đồng thời tham mưu TP tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện 2 bộ quy tắc này. Cùng đó, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể phát huy các điểm mạnh, mô hình đã thực hiện tốt, song cần bổ sung ngay vào báo cáo danh sách các mô hình đã triển khai, đánh giá hiệu quả cũng như tồn tại; Sở VH&TT cùng các ngành đánh giá, đề xuất những vấn đề cần bổ sung, điều chỉnh trong 2 bộ quy tắc này; trong đó, nếu thấy ngân sách khó khăn cũng cần kịp thời báo cáo để tháo gỡ. Với những kiến nghị của các đoàn thể, sở, ngành, đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo HĐND, UBND TP. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần