Với nhận thức sâu sắc về tác động tiêu cực của tai nạn và ùn tắc giao thông đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, trong những năm qua, Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và thiết thực để hưởng ứng chương trình “Thập kỷ hành động an toàn giao thông đường bộ 2011 – 2020” của Liên Hợp quốc và giải quyết tình trạng này. Đặc biệt, thực hiện chủ trương “Năm trật tự và văn minh đô thị - 2016”, trong năm qua, tình trạng tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố đã giảm cả 3 tiêu chí; xóa nhiều “điểm đen” về tai nạn và ùn tắc giao thông; ý thức chấp hành luật giao thông của các tầng lớp Nhân dân đã được nâng cao; Hà Nội là một trong những điểm đến an toàn của du khách trong và ngoài nước. Có được thành tích ấn tượng này, ngoài sự quyết tâm và vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, còn có sự đồng hành của Cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô”.
Được phát động từ năm 2011, đến nay, Cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Ban An toàn giao thông Thành phố, Sở Giao thông Vận tải và các ban, ngành liên quan ngày càng nhận được sự quan tâm và tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân Thủ đô và các tỉnh, thành trên cả nước cũng như người nước ngoài đang làm việc và sinh sống trên địa bàn Thành phố. Qua cuộc thi, nhiều tấm gương điển hình trong việc góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được phát hiện; các bài viết “hiến kế” của nhiều chuyên gia và các sáng kiến thiết thực của người dân đã giúp cho công tác chỉ đạo điều hành của Ban An toàn giao thông Thành phố và các cơ quan chức năng có tính thực tế và hiệu quả hơn.
Sau 5 năm triển khai, Cuộc thi “Vì An toàn giao thông Thủ đô” đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa rộng lớn, sự đón nhận tích cực từ các tầng lớp Nhân dân. Qua 5 mùa giải, Cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô” đã nhận được 343.350 bài viết dự thi, trong đó, Cuộc thi viết năm 2016 là gần 111.500 bài viết của 362 tổ chức, đơn vị và hàng ngàn cá nhân gửi về. Nhìn chung, các bài viết đã thể hiện tâm huyết vì một Thủ đô an toàn, văn minh. Nhiều mô hình, poster được thực hiện công phu, khoa học. Với gần 111.500 bài dự thi, những người tham gia cuộc thi đã được trang bị những kiến thức bổ ích nhất về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật giao thông, chung tay xây dựng văn hóa giao thông.
Với Cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô - năm 2016”, một trong những thành công đáng ghi nhận là bên cạnh những tác giả gạo cội, rất nhiều gương mặt trẻ đã tích cực tham gia. Nhiều bài dự thi của các em học sinh từ trường đại học, cao đẳng, trung học và cả tiểu học đã góp phần phản ánh những vấn đề thiết thực cho giao thông Thủ đô. Điều đó cho thấy Cuộc thi đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của mọi tầng lớp xã hội, nhất là thế hệ trẻ, lớp người làm chủ tương lai, vận mệnh đất nước.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, chất lượng các tác phẩm dự thi cũng cao hơn trước với hình thức thể hiện mới mẻ, vấn đề sát thực, phong phú thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo, đầu tư nghiên cứu nghiêm túc của các tác giả. Thông qua cuộc thi, nhiều tấm gương điển hình trong việc góp phần bảo đảm trật tự An toàn giao thông đã được phát hiện; Nhiều sáng kiến, kế sách của người dân đã giúp cho công tác bảo đảm An toàn giao thông của các cơ quan chức năng có tính thực tế, hiệu quả hơn, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Thành phố, tôi xin biểu dương những cố gắng mà Ban Tổ chức, Hội đồng giám khảo, biểu dương báo Kinh tế & Đô thị, Sở Giao thông Vận tải, Văn phòng Ban An toàn Giao thông Thành phố, Sở Giáo dục Đào tạo, các nhà tài trợ: Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội, Công ty Xe đạp Thống Nhất... trong việc đồng hành cùng Thành phố góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.
Năm 2017, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã xây dựng chương trình Năm An toàn giao thông 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu nhi” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”, mục tiêu phấn đấu giảm từ 5 - 10% số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông so với năm 2016. Ngoài ra, mục tiêu còn là khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng như các trục giao thông chính; bảo đảm tuyệt đối trật tự an toàn giao thông phục vụ Năm APEC Việt Nam 2017 và các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước. Để đạt được mục tiêu đó, công tác tuyên truyền được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần để người dân hiểu, đồng thuận và nâng cao ý thức pháp luật khi tham gia giao thông và thực hiện xây dựng văn hóa giao thông. Vì vậy, tôi tán thành việc báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Thành phố tổ chức Cuộc thi viết về “An toàn Giao thông Thủ đô năm 2017” là hết sức cần thiết.
Để cuộc thi ngày càng tạo được uy tín xã hội và đáp ứng được yêu cầu của Thành phố, tôi đề nghị Ban Tổ chức tiếp tục đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, đổi mới phương thức thi tìm hiểu về An toàn giao thông nhằm thu hút nhiều đối tượng tham gia hơn, nhất là tổ chức thi trên internet, mạng xã hội. Tôi kêu gọi các tổ chức, cá nhân, vận động doanh nghiệp cùng chung tay hưởng ứng Chương trình vì An toàn giao thông Thủ đô. Với những kinh nghiệm đã tích lũy được sau 5 năm tổ chức, tôi tin tưởng rằng, cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô” sẽ trở thành cuộc thi thường niên có uy tín, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa giao thông, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông, từng bước xây dựng thành công văn hóa giao thông ở Thủ đô Hà Nội.
(*) (Đầu đề do báo Kinh tế & Đô thị đặt)