Tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt
Phát biểu tại phiên chất vấn chiều 8/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định: Tình hình kinh tế xã hội thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Cuối năm 2022, GDP tăng 5,03%. Trong 5 tháng đầu năm, thu ngân sách tăng 18,7 %. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 15,6%, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,9%... Tổ chức S&P đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+.
Các lĩnh vực văn hóa, môi trường chuyển biến tích cực, quốc phòng, an ninh được giữ vững; côn tác đối ngoại được đẩy mạnh, đời sống nhân dân được cải thiện, cơ bản hoàn thành các cơ chế, chính sách và tích cực triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế… Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh tế tài chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như các đại biểu đã nêu trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế như ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo đầy đủ các giải pháp trong báo cáo trình Quốc hội về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước. Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, chủ động phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ để giữ vững kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước, nâng cao trình độ của cán bộ thực thi nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.
Ba nguyên nhân kiểm soát lạm phát
Đề cập tới kiểm soát lạm phát, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, lạm phát trong 5 tháng đầu năm cơ bản được kiểm soát và thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới, chủ yếu do một số nguyên nhân như sau:
Thứ nhất, triển khai yêu cầu kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu Bộ Tài chính vào các bộ, ngành có liên quan theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả, các giải pháp điều hành giá cũng như các biện pháp bảo đảm cung cầu phù hợp, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Thứ ba, quản lý sát việc điều hành giá cả các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, giá dịch vụ công nhà nước, quản lý giá. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá; giám sát chặt chẽ hoạt động đăng ký, kê khai, niêm yết giá của các doanh nghiệp, chủ động kịch bản điều hành giá xăng dầu phù hợp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận sách giáo khoa giá hợp lý
Liên quan tới giá sách giáo khoa, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan để quản lý giá sách giáo khoa theo đúng quy định của pháp luật về giá; phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi học sinh được tiếp cận sách giáo khoa với giá cả hợp lý.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương đề xuất các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu, nhất là rà soát, nghiên cứu điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với xăng dầu để kiểm soát mặt hàng này.
Về đổi mới, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ thừa nhận, việc cơ cấu cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thời gian qua còn chậm. Các nguyên nhân đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình cụ thể.