Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình khẳng định vai trò của DN, doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nghị quyết, chủ trương, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (tháng 6/2017), đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Hiện nay, cả nước có khoảng 800.000 DN đang hoạt động, trong đó 98% là DN có quy mô nhỏ và vừa. Số lượng DN trung bình trên 1.000 dân và 1.000 lao động liên tục có sự gia tăng trong những năm gần đây, năm 2019, bình quân cả nước có 7,9 DN đang hoạt động/1.000 dân so với 5,4 DN năm 2016. Giai đoạn 2017-2020, tỷ trọng của kinh tế tư nhân trong GDP luôn chiếm tỷ trọng cao nhất và liên tục tăng, từ 41,75% (năm 2017) lên mức 42,68% (năm 2020). Năng suất lao động, trình độ công nghệ, năng lực đổi mới, sáng tạo, khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu của khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng tăng.
Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị DN. Trách nhiệm xã hội của DN, đạo đức, văn hóa kinh doanh của DN dần được nâng lên. Đây là niềm tự hào của đất nước ta về đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đổi mới và phát triển.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng với những thành tích, kết quả đạt được của Hiệp hội, các DN nhỏ và vừa thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà cộng đồng DN nhỏ và vừa cần sớm có giải pháp khắc phục. Cụ thể, phần lớn DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới, thiếu đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao.
Các thành viên của Hiệp hội phát triển còn liên kết rời rạc với nhau và với các thành phần kinh tế khác. Khả năng tiếp cận nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn. Các DN chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Một số DN vẫn chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, một số DN vẫn còn hiện tượng gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nợ tín dụng quá hạn và nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Theo Phó Thủ tướng, dự báo tình hình quốc tế, khu vực thời gian tới có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Đại dịch COVID-19 vẫn chưa thể được ngăn chặn một sớm, một chiều. Thế giới đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt, cả về y tế, kinh tế, xã hội và quản trị, có thể tiếp tục kéo dài trong các năm 2021-2022. Khoa học-công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu không thể đảo ngược, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta.
Trong nước, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Năm tiến hành Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngay trong tháng một này; năm đầu quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp.
Để đội ngũ doanh nhân hình thành lối sống sáng tạo, tự lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, đổi mới, sáng tạo, có chí làm giàu, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cần tập trung vào một số nội dung.
Thứ nhất, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển tổ chức, đảm bảo 63/63 tỉnh, thành phố có tổ chức của Hiệp hội, qua đó, thực hiện tốt vai trò đại diện cho cộng đồng DN, làm cầu nối giữa DN với các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Thường xuyên trao đổi thông tin, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Thứ hai, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội phải thực sự đại diện cho nguyện vọng của các thành viên Hiệp hội, xây dựng mối liên kết trong cộng đồng doanh nhân, DN trong và ngoài nước, giữa các địa phương trên cả nước. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở cả Trung ương và địa phương phát động phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong nhân dân, nhất là trong độ tuổi thanh niên đầy hoài bão.
Thứ ba, các thành viên của Hiệp hội, đặc biệt là thành viên tiêu biểu, cần đi đầu trong việc tăng cường ứng dụng, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc thiết bị công nghệ cao thay thế lao động thủ công ở những công đoạn máy móc có thể thay thế để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Thứ tư, Hiệp hội cần tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp để xây dựng được các cơ chế chính sách tốt, phù hợp với nhu cầu, khả năng của cộng DN trên địa bàn tỉnh. Để làm được điều này, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành cần nghiên cứu, chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp để thúc đẩy DN Việt Nam phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Thứ năm, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham gia các chương trình, dự án của các bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện để hỗ trợ tốt hơn cho DN hội viên, qua đó nâng cao kỹ năng quản lý, kỹ năng nghề nghiệp cho các thành viên của Hiệp hội, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số, áp dụng nền tảng công nghệ 4.0, nghiên cứu tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tư do như EVFTA, CPTPP, RCEP để phát triển. Bên cạnh đó, Hiệp hội cần tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến và triển khai các nội dung hỗ trợ của Nhà nước theo quy định tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Đối với kiến nghị của Hiệp hội, Phó Thủ tướng Thường trực giao các bộ, ngành tổng hợp đầy đủ các kiến nghị chính đáng để báo cáo Chính phủ nghiên cứu xem xét, tháo gỡ cho DN.