Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị về phòng chống thiên tai 2023

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 20/4, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023.

Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, cùng đại diện các sở ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thăm gian trưng bày tài liệu phòng, chống thiên tai bên lề hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thăm gian trưng bày tài liệu phòng, chống thiên tai bên lề hội nghị.

Thông tin tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, cho biết trong năm 2022, các vùng miền của cả nước đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần); trong đó có 7 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên biển Đông; 258 trận dông, lốc, mưa lớn; 286 trận động đất; 310 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất, 191 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, 2 đợt rét đậm, rét hại, 14 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển và 2 đợt nắng nóng, hạn hán…

Tại miền Bắc, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp trong các tháng 4, 5, 6, nhất là tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên… Các hồ chứa Sơn La, Hoà Bình, Tuyên Quang đã phải vận hành xả khi chưa vào thời kỳ mùa lũ và duy trì trong một thời gian khá dài. Đây là một năm hiếm thấy kể từ khi hệ thống liên hồ chứa sông Hồng đi vào khai thác, vận hành.

Tại khu vực miền Trung, mưa lớn trái mùa xảy ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 gây ngập lụt diện rộng các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên; liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Ngoài ra, triều cường, kết hợp gió mạnh trên biển gây sóng lớn từ 1,5 - 2 m tại khu vực biển Tây gây tràn và sạt lở đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; 247 trận động đất xảy ra liên tiếp trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum…

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng.

Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng. Con số này cao gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021. Từ đầu năm 2023 đến nay, tiếp tục xảy ra hàng chục trận mưa lớn, dông lốc, sạt lở bờ sông, động đất… khiến 7 người mất tích; thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, công tác phòng chống thiên tai năm 2022 dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn đó không ít hạn chế. Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó thiên tai còn hình thức. Công tác vận hành hồ chứa còn bị động. Công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai vẫn còn hạn chế; việc thông tin cho người dân có lúc có nơi còn chưa kịp thời. Tiến độ triển khai công tác khắc phục hậu quả còn chậm và kéo dài…

Về nhiệm vụ công tác phòng chống thiên tai năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết các bộ ngành, địa phương cần triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để huy động nguồn lực xã hội trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Lồng ghép kế hoạch phòng, chống thiên tai vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương…

Thiên tai năm 2023 được dự báo rất cực đoan, khó lường.
Thiên tai năm 2023 được dự báo rất cực đoan, khó lường.

Nâng cao năng lực chất lượng cảnh báo, dự báo; năng lực cứu hộ, cứu nạn, xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Hoàn thành xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai. Ưu tiên bố trí ngân sách để đầu tư nâng cấp hạ tầng phòng, chống thiên tai; nhất là hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở an toàn. Đồng thời, tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh thiên tai ngày một cực đoan, khó lường…

Thông tin tại hội nghị, ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn (Bộ TN&MT) cho biết năm 2023, số lượng bão, ATNĐ hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức trung bình nhiều năm (11 - 13 cơn trên biển Đông và 5 - 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền); bão hoạt động nhiều hơn từ tháng 8 - 10/2023 và giảm dần từ tháng 11/2023.

Đỉnh lũ các sông ở Bắc Bộ ở mức báo động (BĐ) 1 - 2, riêng các sông suối nhỏ từ BĐ2 - 3, tập trung trong các tháng 7 - 9; đỉnh lũ các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Bình Thuận ở mức BĐ 1 - 2, có sông trên BĐ2; các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và Tây Nguyên ở mức BĐ 2 - 3, có sông trên BĐ3 (ở mức xấp xỉ TBNN và năm 2022). Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc và miền Trung. 

 

Trong năm 2022, khu vực Hà Nội đã chịu ảnh hưởng của 4 cơn bão, 13 đợt mưa, 22 đợt không khí lạnh, 9 đợt nắng nóng và một số loại hình thiên tai khác như ngập lụt, sạt lở đất, lũ rừng ngang, sét, dông, lốc, cháy rừng tự nhiên… Thiên tai tại Hà Nội đã khiến 4 người chết, 30 nhà dân bị hư hỏng cùng nhiều thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, hệ thống đê điều, thủy lợi…