Tham dự diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; cùng đại diện lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, các đại sứ quán, lãnh sự quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vực nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp đúng trọng tâm đổi mới sáng tạo.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: Thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng. Từ quốc gia chủ yếu nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực mỗi năm, trở thành nước xuất khẩu nông sản top đầu thế giới, các mặt hàng nông sản có mặt tại hầu hết quốc gia và vùng lãnh thổ.
"Dự kiến xuất khẩu nông sản năm 2022, chạm mốc 50 tỷ USD, điều đó cho thấy lúa gạo, thủy hải sản và trái cây là lợi thế quốc gia. ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% sản lượng cá xuất khẩu và gần 70% sản lượng trái cây của cả nước", Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng chỉ rõ, dù đạt nhiều thành tựu quan trọng, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, tính liên kết chưa cao, chưa chú trọng công nghệ lẫn đổi mới sáng tạo. Do đó, yếu tố xanh hơn, phát thải thấp, giá trị cao, ứng dụng sinh thái tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn 2021-2030.
Đồng thời, Thứ trưởng cho rằng việc phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và cần đầu tư phù hợp với đặc thù ngành lẫn địa phương; Tuần hoàn nông nghiệp cũng là yếu tố được ngành ưu tiên, trong đó đề cao việc tái chế, tái sử dụng; Nông nghiệp xanh, giảm phát thải tại ĐBSCL cũng được xem là định hướng quan trọng, hướng đến bền vững; Về khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và dẫn dắt, hợp lực lẫn nhau của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo ra diện mạo mới cho hệ thống chương trình, sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở ĐBSCL, theo hướng xanh hóa và bền vững.
Trong khi đó, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chỉ rõ những lợi thế của nông nghiệp Việt Nam, sản xuất ba vụ lúa một năm là điều hiếm có trên thế giới, chuyển hoá từ sản xuất lúa giá trị thấp (gạo trắng) sang các chủng loại có giá trị cao, các loại lúa gạo thơm OM, DT, Jasmine, ST, gạo nếp; hiện đại hoá máy móc thiết bị trong sản xuất, chế biến, bảo quản lúa gạo, đa dạng các phế phẩm từ nông nghiệp tăng giúp tăng thu nhập giảm phát thải.
Ông Đỗ Hà Nam cũng đưa một số kiến nghị các bộ, địa phương, ngân hàng ưu tiên vốn cho doanh nghiệp trong thu mua, xuất khẩu, tạm trữ, đầu tư máy móc thiết bị cho sản xuất, chế biến, bảo quản lúa gạo và ổn định tỷ giá ngoại tệ; ưu tiên đầu tư nghiên cứu giống có năng suất chất lượng cao; cũng nên hạn chế, cấm các loại thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng đã được một số nước cảnh báo.
Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khẳng định đổi mới sáng tạo chuỗi ngành hàng lúa gạo là vấn đề cấp thiết, quan trọng vì đối mặt những cơ hội và thách thức. Tuy nhiên, ông Thư cũng nên ứng dụng đổi mới sáng tạo trong sản xuất, điển hình là nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, máy móc được áp dụng. Một số tỉnh đã định hướng sản xuất lúa gạo theo các tiêu chuẩn chất lượng như lúa hữu cơ, SRP, VietGap, GLobalGap....
Chuyển đổi số, tận dụng tốt phế phẩm, phụ phẩm
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chỉ rõ chưa có nhiều đổi mới công nghệ thực sự hiệu quả trên diện rộng giúp tăng hiệu quả sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt tình trạng đốt rơm rạ vẫn còn phổ biến. Tuy nhiên, chưa vận dụng được yếu tố tuần hoàn trong sản xuất, tận dụng và phát huy hiệu quả cơ hội ở từng khâu trong chuỗi sản xuất kín, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp trong hệ sinh thái lúa gạo.
"Một vấn đề khác đó là tình trạng lãng phí các phụ phẩm trong toàn bộ chuỗi giá trị. Đơn cử như rơm rạ thay vì đốt đi thì có thể xử lý bằng phương pháp vi sinh để cung cấp lại dinh dưỡng cho đất; cám gạo ngoài việc dùng làm thức ăn chăn nuôi có thể được trích xuất dầu làm nguyên liệu cho mỹ phẩm, thực phẩm; hay như trấu có thể được sản xuất thành dạng thanh, viên nén, dùng để thay thế các loại chất đốt thông thường", ông Lâm Trọng Nghĩa đại diện công ty MAPA chia sẻ.
Theo bà Đặng Thị Thương, Giám đốc Công ty Thành Ngọc, đề nghị cần đào tạo kiến thức trong quản lý để hạn chế phát thải từ cá tra ra môi trường. Các Start-up cũng cần lưu ý nghiên cứu điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng kèm theo chi phí cũng cần phải được chọn lọc phù hợp.
Theo đại diện Vina T&T cho biết, giảm phát thải, phát triển bền vững là xu hướng tương lai cần thực hiện, nếu không sẽ khó xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Nhất là việc quản lý đầu vào phân bón cũng là cách giúp giảm khí thải ra môi trường trong quá trình nuôi trồng. Song song đó, cũng cần giải quyết vấn đề về công nghệ bảo quản.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ cần hỗ trợ hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp trên tất cả lĩnh vực (chế biến, nuôi trồng, liên kết sản xuất...), khuyến khích phát kiến có tính ứng dụng cao từ các công trình nghiên cứu; có sự ưu đãi, hỗ trợ thương mại hóa đối với các sáng kiến có tính ứng dụng cao.
"Cụ thể, ưu tiên ứng dụng số, trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT) vào quản lý, vận hành và tổ chức sản xuất đối với các khu, vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao; tăng chế biến tinh, chế biến sâu; giảm dần xuất khẩu nông sản thô; ứng dụng chuyển đổi số kiểm soát được chất lượng, quản lý khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản và giới thiệu, quản bá sản phẩm thủy sản...", ông Lê Văn Sử chia sẻ.
Theo một số đại diện tổ chức quốc tế bày tỏ sự ủng hộ những chia sẻ về thách thức của các doanh nghiệp và đưa ra nhận xét về thách thức là làm thế nào thay đổi cách thức sản xuất, sử dụng nguồn lực bền vững.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Diễn đàn đã đáp ứng mục tiêu nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp tại ĐBSCL về bài toán chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải theo các cam kết của Chính phủ; đồng thời, diễn đàn còn kênh kết nối, hiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công - tư; giới thiệu, quảng bá những sản phẩm, dịch vụ điển hình; tiên phong, dấn bước, mạnh dạn đối diện với những bài toán mới, khó; kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, bày tỏ cảm xúc khi tham dự diễn đàn, là một việc làm hết sức quan trọng đối với cộng động, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cũng mong muốn Startup đúng như tinh thần khởi nghiệp ĐBSCL. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng Đề nghị Bộ NN&PTNT, các cơ quan, ban, ngành cần có những văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trình Thủ tướng chính phủ xem xét để chương trình khởi nghiệp đạt kết quả cao.
Cũng tại diễn đàn, đã diễn ra lễ ký cam kết đại diện 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL với Bộ NN&PTNT trong việc giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL; bốn nội dung cam kết Xây dựng Đồng Tháp thành “Trung tâm giải pháp giảm phát thải của khu vực”; ký kết phát triển các nền tảng công nghệ và đào tạo toàn diện nguồn nhân lực để phục vụ mục tiêu “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”; kết hợp tác nâng cao năng lực doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn để phục vụ mục tiêu “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”.