Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thận trọng khi ra quyết định phong tỏa

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 3/2, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngoài kiểm soát việc đi ra ngoài khu phong tỏa, các địa phương phải quản lý chặt khu vực bên trong, đồng thời yêu cầu các địa phương phải thận trọng khi ra quyết định.

Không nên cách ly, phong tỏa trên diện rộng

Đánh giá, ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị từ các cấp chính quyền đến người dân trong phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đợt dịch Covid-19 lần này, Hà Nội, Chí Linh (Hải Dương) cơ bản đã được kiểm soát tại do có sự vào cuộc tích cực, bài bản. Đặc biệt, Hà Nội đã làm việc rất tích cực, vào cuộc sớm và bài bản vì đã có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch từ các đợt dịch trước. Đến nay, hơn 17.000 mẫu xét nghiệm những người đi từ vùng dịch Hải Dương, Quảng Ninh về đã có kết quả, nên cơ bản Hà Nội đã kiểm soát được dịch. Riêng vùng dịch tại Quảng Ninh, mặc dù đã triển khai mạnh mẽ nhưng do địa bàn giao lưu rộng với cả trong và khu vực biên giới, nên cần cảnh giác cao hơn”.
Phó Thủ tướng cho rằng, bằng kinh nghiệm xử lý những đợt dịch trước, lực lượng phòng, chống dịch của cả nước đã làm rất tốt, đã bắt kịp, truy vết kịp, song các đơn vị vẫn cần nỗ lực hơn. Lực lượng quân đội chuẩn bị điều kiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương. Những địa phương như Hải Dương, Quảng Ninh cần linh hoạt trong cách ly…
Liên quan đến việc phong tỏa, cách ly những vùng có dịch, Phó Thủ tướng lưu ý, ngoài kiểm soát việc đi ra ngoài khu phong tỏa, các địa phương phải quản lý chặt khu vực bên trong, đồng thời yêu cầu các địa phương phải thận trọng khi ra quyết định. Cũng giống như cách ly, các địa phương cố gắng phong tỏa ở quy mô nhỏ nhất có thể. "Nếu phải ra quyết định cách ly, phong tỏa thì chính quyền các địa phương cần phải có thông báo sớm và giải thích rõ ràng cho bà con. Quan điểm là đã cách ly, phong tỏa phải bảo đảm an toàn cho vùng cách ly và cần phải chia nhỏ vùng cách ly, phong tỏa, không nên tổ chức cách ly, phong tỏa diện rộng vì sẽ khó kiểm soát"- Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam- Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc.  
Nhấn mạnh về việc Bộ Y tế bố trí lực lượng sẵn sàng chi viện công tác xét nghiệm cho các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Y tế việc truy vết, mở rộng xét nghiệm trong cộng đồng; đồng thời công khai trên Cổng thông tin Bộ Y tế và cập nhật trên bản đồ an toàn Covid-19 danh sách người đi từ vùng dịch. Đến thời điểm này, các DN viễn thông thống nhất cắt thuê bao di động đối với những trường hợp ở vùng dịch ra (đã được nhắc nhở 1 lần) mà không cài đặt ứng dụng Bluezone. Các địa phương, đơn vị cần truyền thông mạnh mẽ và xử phạt nghiêm người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng…"Chúng ta đang phải chạy đua với thời gian, quyết tâm chống dịch để người dân kể cả trong vùng dịch và đặc biệt là đồng bào ở nước ngoài vùng dịch sớm yên tâm sản xuất, kinh doanh và đón Tết an toàn …"- Phó Thủ tướng nói.
Địa phương đưa ra những quy định phù hợp với tình hình thực tế
Đánh giá về công tác phòng, chống dịch của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy- Tổ trưởng Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống Covid-19 nhận định, Hà Nội cơ bản đã kiểm soát được dịch trong đợt bùng phát lần này do đã triển khai đúng chiến lược: Truy vết và quây nhanh các trường hợp F1, F2; rà soát kịp thời những người từ Chí Linh, tỉnh Hải Dương và Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh về. Đặc biệt, trong số 4 trường hợp lây nhiễm ban đầu từ vùng dịch Quảng Ninh, Chí Linh (Hải Dương) có 2 trường hợp không lây nhiễm tiếp, đến nay, Hà Nội chỉ có 2 trường hợp siêu lây nhiễm là BN 1.694 và BN 1.814. Hà Nội đã cơ bản khoanh vùng và truy vết các trường hợp liên quan.
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, ngoài kiểm soát việc đi ra ngoài khu phong tỏa, các địa phương phải quản lý chặt khu vực bên trong, đồng thời yêu cầu các địa phương phải thận trọng khi ra quyết định. 
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Trung-Phó Tổ trưởng Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 cũng cho rằng, Hà Nội thực hiện tốc độ truy vết tốt, thực hiện nhanh và đúng quy trình xét nghiệm. Ngoài ra, Hà Nội cũng áp dụng biện pháp ngăn ngừa những điểm có rủi ro cao bằng cách tạm dừng các hoạt động của quán bar, karaoke, internet, game; tăng cường xử phạt đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Liên quan đến vấn đề đi lại dịp Tết, PGS.TS Trần Đắc Phu- Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay, gần Tết, nhiều người dân quan tâm, lo lắng đến vấn đề phong tỏa, giãn cách, người ở vùng dịch có được đi về quê không, người ở các nơi có được lên Hà Nội không… Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành “Sổ tay hướng dẫn tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch”. Thực tế, quyết định này chính thức là phong tỏa tuy trong sổ tay không có từ nào là phong tỏa. Mới đây, phong tỏa được đề cập đến Chỉ thị 05 của Thủ tướng (trước đó, Chỉ thị 15, 16 không đề cập đến). Hiểu một cách chặt chẽ, phong tỏa nghĩa là rất nặng, là vấn đề bao vây. Trong phong tỏa có giãn cách, trong giãn cách có áp dụng các biện pháp phòng bệnh.
“Tôi nghĩ rằng, vấn đề điều tra dịch tễ như thế nào để phong tỏa cho chặt chẽ. Truy vết thấy có điểm mới là phải phong tỏa ngay. Tuy nhiên, các địa phương cần cẩn thận, linh hoạt, không nên phong tỏa quá rộng”- PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Chuyên gia cho rằng, hiện nay, các vùng không phong tỏa cũng thực hiện giãn cách xã hội được. Có nơi không phong tỏa, không giãn cách xã hội nhưng trong những ngày cả nước áp dụng biện pháp phòng chống dịch, đơn cử như Hà Nội hiện nay là không tụ tập đông người, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang… Trong thời điểm hiện nay, các đơn vị, địa phương khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch. Người dân phải đề phòng, không nên chủ quan bởi nguy cơ biến chủng của virus SARS-COV-2 từ các nước vào trong nước rất cao. Lúc này, người dân cần hiểu rõ Chính phủ, Bộ Y tế đang chỉ đạo rất đúng và quyết liệt. Căn cứ vào những vấn đề này, UBND các tỉnh có thể hài hòa đưa ra những quy định phù hợp nhất với tình hình để không ảnh hưởng tới kinh tế-xã hội, đời sống của người dân một cách không đáng có.