KTĐT - Ngày 21/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đặt bút ký đạo luật cải cách tài chính dài 2.323 trang kết thúc hơn một năm làm việc miệt mài của các nhà lập pháp và nhiều tháng tranh luận gay gắt tại Capitol Hill.
Sự kiện này cũng đánh dấu chiến thắng quan trọng của Tổng thống Obama trong nỗ lực điều khiển phố Wall sau những động thái mà ông đánh giá là "thiếu thận trọng và vô trách nhiệm" từng đẩy nền kinh tế Mỹ đến bờ vực sụp đổ vào tháng 9/2008.
Tổng thống Obama tin rằng, đạo luật cải cách tài chính không chỉ có lợi cho người tiêu dùng mà còn có tác động tích cực đối với nền kinh tế và giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định khôn ngoan hơn. Đạo luật sẽ áp dụng các khoản phí và hạn chế mới đối với các ngân hàng lớn nhất nước, đặt ra các giới hạn đối với thị trường phái sinh trị giá 450.000 tỷ USD cũng như bảo vệ người tiêu dùng trước các tài sản thế chấp và thẻ tín dụng. Trong trường hợp một tổ chức tài chính lớn có nguy cơ sụp đổ, đạo luật mới sẽ tìm kiếm các biện pháp giải cứu mà không gây hại đến nền kinh tế.
Việc thực thi các quy định mới về cơ quan xếp hạng tín dụng, ngân hàng, quỹ đầu tư có thể diễn ra từng bước trong nhiều năm. Tuy nhiên, chính quyền đã yêu cầu các tổ chức có liên quan phải nhanh chóng áp dụng các điều khoản mới trong vòng 6 đến 18 tháng tới.
Điểm nổi bật của đạo luật là trong vài năm các ngân hàng lớn phải rút dần vốn ra khỏi các quỹ đầu cơ, quỹ tư nhân và chỉ được nắm giữ tối đa 3% số cổ phiếu của các quỹ này. Các thể chế tài chính sẽ phải tái cơ cấu nhằm giảm bớt các ngân hàng có quy mô khổng lồ như Lehman. Biện pháp này sẽ giảm thiểu tác động xấu đến nền kinh tế nếu các thể chế tài chính sụp đổ.