70 năm giải phóng Thủ đô

Phố Wall "xanh sàn" tuần thứ bảy liên tiếp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bất chấp thông tin Trung Quốc sắp nâng tỷ lệ dự bắt buộc của các ngân hàng thương mại, chốt phiên 14/1 chỉ số Dow Jones tăng 55,48 điểm lên 11.787,38 điểm

KTĐT - Bất chấp thông tin Trung Quốc sắp nâng tỷ lệ dự bắt buộc của các ngân hàng thương mại, chốt phiên 14/1 chỉ số Dow Jones tăng 55,48 điểm lên 11.787,38 điểm

Mùa công bố lợi nhuận doanh nghiệp lạc quan hơn nhiều so với đồn đoán đã thổi luồng gió mới vào các sàn chứng khoán Mỹ, đưa Phố Wall "xanh sàn" tuần thứ bảy liên tiếp và trở lại mức đỉnh cao của các năm 2007-2008.

Bất chấp thông tin Trung Quốc sắp nâng tỷ lệ dự bắt buộc của các ngân hàng thương mại, chốt phiên 14/1 chỉ số Dow Jones tăng 55,48 điểm lên 11.787,38 điểm; chỉ số S&P 500 ghi thêm 0,7% lên 1.293,24 điểm và chỉ số Nasdaq cũng tiến thêm 0,7% lên đóng cửa ở mức 2.755,30 điểm.

Lực đẩy của thị trường là cổ phiếu của JPMorgan Chase &Co. và các ngân hàng khác được giá hơn trong phiên cuối tuần. Giá cổ phiếu của JPMorgan tăng 1% sau khi ngân hàng loan tin thu nhập quý 4/2010 tăng tới 47%. Ngân hàng đã giảm bớt quỹ dự phòng rủi ro nợ xấu và kỳ vọng sẽ được Cục Dự trữ Liên bang cho phép nâng cổ tức chia cho các cổ đông.

Cổ phiếu của Wells Fargo & Co., Bank of America Corp cùng các đại gia ngân hàng khác cũng lên giá trước hy vọng họ cũng có thể tăng cổ tức chia cho các cổ đông.

Các ngân hàng Mỹ đã phải giảm mức chia cổ tức trong thời kỳ xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu để đảm bảo thanh khoản. Giới đầu tư đang hối thúc các ngân hàng nâng cổ tức khi mà khá nhiều trong số đó đang ăn nên làm ra trở lại.

Cổ phiếu của Bank of America Corp. tăng 3,2%, dẫn đầu nhóm 30 cổ phiếu hợp thành Dow Jones.

Thị trường dường như "miễn dịch" trước thông tin Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 50 điểm cơ bản từ ngày 20/1 để chống chọi với "con ngựa lạm phát bất kham."

Các số liệu kinh tế Mỹ yếu kém được công bố cuối ngày 14/1 cũng không mấy tác động tới tâm lý của giới đầu tư chứng khoán. Đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2010 của Mỹ tăng 0,5%, mức tăng lớn nhất từ tháng 6/2009.

Tuy nhiên, tác nhân chính (chiếm tới 80%) lại do giá xăng dầu tăng mạnh nên nguy cơ lạm phát lan rộng ở Mỹ vẫn còn thấp. Nếu không tính giá năng lượng và thực phẩm, chỉ số CPI chỉ tăng 0,1% trong tháng thứ hai liên tiếp.

Trong một báo cáo khác, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh thu bán lẻ đã tăng tháng thứ sáu liên tiếp vào tháng 12/2010 nhờ ôtô và đồ gỗ tiêu thụ mạnh.

Các nhà phân tích từ IHS Global Insight cho rằng Phố Wall trải qua thêm một tuần giao dịch đầy hứng khởi chính là nhờ các báo cáo lợi nhuận quý 4/2010 vượt ngoài trông đợi từ Alcoa, Intel cho tới JPMorgan Chase./.