Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng bằng sông Cửu Long:

Phối hợp cấp vùng liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Theo ThS. Trần Huỳnh Anh – Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viên Kinh tế - xã hội TP Cần Thơ, trong những thế mạnh của ĐBSCL là lúa gạo, thủy sản và trái cây; vùng vấn đang có những lợi thế, bất lợi cần nhìn nhận rõ. 

Vừa qua, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Cơ chế phối hợp cấp vùng cho liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ”.

Nhiều điểm nghẽn trong liên kết nông sản ĐBSCL

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế của tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Theo ThS. Trần Huỳnh Anh – Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viên Kinh tế - xã hội TP Cần Thơ, trong những thế mạnh của ĐBSCL là lúa gạo, thủy sản và trái cây; vùng vấn đang có những lợi thế, bất lợi cần nhìn nhận rõ. 

Dự kiến vị trí quy hoạch Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ
Dự kiến vị trí quy hoạch Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ

Cụ thể, cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL không thay đổi nhiều giữa 3 khu vực (nông nghiệp; Thương mại - dịch vụ; công nghiệp - xây dựng). Trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, vẫn còn tồn tại như chưa chủ động vùng nguyên liệu, vật tư đầu vào, còn lệ thuộc vào thị trường nhập khẩu, nên phát sinh nhiều chi phí trong sản xuất; 

Đặc biệt, các mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL thiếu bền vững. Việc học tập, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh còn rất hạn chế; thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ cao, đặc biệt là nhân lực có kỹ năng số.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là tính kết nối trong nội vùng và liên vùng; dịch vụ logistics thiếu đồng bộ làm phát sinh chi phí, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp.

Giải pháp trong liên kết nông nghiệp vùng ĐBSCL 

heo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, để thoát khỏi tình trạng lặp đi lặp lại như một điệp khúc cần “giải cứu nông sản”, xây dựng nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị, cần kiên trì cách tiếp cận chuyển từ ngành sản xuất sang phát triển nền kinh tế nông nghiệp; từ phạm vi sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản sang tích hợp sản phẩm đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị. 

Đồng quan điểm, ThS. Trần Huỳnh Anh cho rằng, cần quan tâm đến các khâu trọng yếu là hình thành chợ đầu mối, trung tâm cung ứng nông sản hiện đại, tạo ra kênh phân phối chuyên nghiệp có quy mô lớn, xây dựng cơ chế đặc thù để huy động mọi nguồn lực tại vùng, nhất là các doanh nghiệp chế biến. 

Song song đó,  khâu tổ chức sản xuất, gắn với định hướng thị trường; ứng dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp hướng đến tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn góp phần nâng cao giá trị nông sản, mang lại lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vùng ĐBSCL. 

Đặc biệt, với vai trò trung tâm vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ cần khẩn trương triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù mà các nhà đầu tư được ưu đãi về thuế, tiền thuê đất khi đầu tư vào Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ theo quy định tại Nghị quyết số 45/2022/QH15.

Cụ thể, áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo. Miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất; sau thời gian miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản, được miễn tiền thuê đất 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 07 năm tiếp theo. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ.

Mục tiêu nhằm hình thành một Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; thu hút dự án đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ xuất khẩu nông sản. Trung tâm được xây dựng với định hướng chiến lược trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, với vai trò liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của cả vùng ĐBSCL.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu kiến nghị, các cấp thẩm quyền ở Trung ương và địa phương cần quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Kịp thời thúc đẩy xây dựng trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ theo Nghị quyết của Quốc hội để gia tăng giá trị nông sản và giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. 

 

Bên cạnh đó, chú ý hoàn thiện khung pháp lý cho liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế, chính sách triển khai. Hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng điều phối vùng giai đoạn 2020-2025.