Phối hợp quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lâu nay, vấn đề ATTP luôn được xã hội quan tâm, nhất là trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc vi phạm được phát giác khiến người dân lo ngại.

Bởi vậy, đảm bảo ATTP là một nhiệm vụ được các ban, ngành, các cấp chính quyền đặc biệt chú trọng.

Coi trọng tuyên truyền

Xã La Phù, huyện Hoài Đức hiện có hơn 40 DN và hơn 100 hộ chuyên sản xuất bánh kẹo, với sản lượng cung cấp ra thị trường hàng chục tấn mỗi ngày. Đảm bảo VSATTP là một vấn đề thiết yếu không chỉ với các hộ làm nghề mà với cả chính quyền địa phương. Ông Tạ Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã La Phù cho biết: “Công tác tuyên truyền về ATTP được xã đặc biệt coi trọng. Bản thân mỗi cơ sở sản xuất cũng luôn ý thức được việc đảm bảo vệ sinh an toàn là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng và uy tín nhãn hàng”.
Sản xuất bánh kẹo tại xã La Phù, huyện Hoài Đức. Ảnh: Khắc Kiên
Sản xuất bánh kẹo tại xã La Phù, huyện Hoài Đức. Ảnh: Khắc Kiên
Theo đó, xã La Phù thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên ngành tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân. Yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất ký cam kết đảm bảo VSATTP ngay từ nguyên liệu đầu vào, không sử dụng những chất phụ gia gây hại cho sức khỏe, các hóa chất trong danh mục cấm sử dụng theo quy định của Bộ Y tế. Khâu chế biến cũng phải tuân thủ quy định, dụng cụ sản xuất phải được vệ sinh sạch sẽ, tránh các loại vi khuẩn, rêu mốc gây ảnh hưởng đến sản phẩm. Khâu bảo quản, chế biến cần khô ráo, phải được đóng gói bao bì cẩn thận, hạn sử dụng phải được in trên nhãn mác rõ ràng… Qua các cam kết này đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, người kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng.

Phối hợp kiểm tra, giám sát

Cùng với việc nhắc nhở, tuyên truyền, UBND xã La Phù luôn phối hợp với Đội Quản lý thị trường 24 huyện Hoài Đức để thực hiện việc kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất. Lực lượng liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát VSATTP, trong đó đặc biệt chú trọng các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm để có biện pháp nhắc nhở, xử lý. Địa phương còn chủ động đề ra các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm. Đặc biệt, sẵn sàng xử lý nghiêm các cơ sở, hộ gia đình có hành vi sản xuất thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không đảm bảo các quy định VSATTP.

Đội Quản lý thị trường số 24 thực hiện tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng lưu thông trên thị trường. Kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm Luật ATTP, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. “Đó là biện pháp hữu hiệu để đảm bảo VSATTP trong bối cảnh vấn đề này đang trở nên cấp thiết. Đặc biệt, đây là nhiệm vụ quan trọng liên quan tới việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng” - ông Tô Sơn Hồng - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường 24 nhấn mạnh.

Để công tác đảm bảo VSATTP đạt được kết quả tốt nhất, điều cốt lõi là cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, kiến thức pháp luật cho mỗi hộ sản xuất. Chỉ khi chính người sản xuất ý thức việc làm ra các sản phẩm cho khách hàng cũng như sản xuất cho gia đình mình mới hạn chế tối đa được những vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm.