Phòng bệnh hô hấp cho trẻ khi giao mùa

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời tiết chuyển mùa Hè – Thu với độ ấm lớn làm nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, dị ứng, cảm cúm, sốt ở trẻ nhỏ tăng cao. Trong đó, nhóm bệnh đường hô hấp dễ xảy ra nhất nếu cha mẹ không biết cách phòng ngừa.

Tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), bác sĩ Nguyễn Thành Nam - Phụ trách khoa cho biết, do thời tiết chuyển mùa, ẩm ướt, tình trạng trẻ ho, sốt, viêm tiểu phế quản, viêm phổi tăng lên. Các bệnh hô hấp chiếm 50% số bệnh nhân đến khám, vào viện. Đáng lưu ý, nhiều trẻ mắc ho dai dẳng kéo dài khiến phụ huynh “đứng ngồi không yên”. Tương tự, tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 15 - 20 ca bệnh nhi (chủ yếu là các bé dưới 2 tuổi) phải nhập viện điều trị do viêm tiểu phế quản, một số trẻ khác lại nhập viện do dị ứng thời tiết.
 Chăm sóc cho trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: Phạm Hùng
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng – nguyên trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh viêm đường hô hấp trên (có cấp tính và mạn tính), bệnh nhẹ nhưng hay gặp và khó chịu vì ảnh hưởng tới sinh hoạt. Bệnh cấp tính gây sốt cao hoặc vừa ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, thay đổi giọng, mất giọng, niêm mạc họng đỏ (trẻ em nôn nhiều, quấy khóc). Nếu không kịp thời chữa trị dứt điểm sẽ diễn tiến thành viêm phế quản, viêm phổi và rất dễ chuyển thành mạn tính. Trong khi đó, viêm đường hô hấp dưới ít gặp, gồm viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phổi và hay bị nặng. Bên cạnh đó, khi giao mùa 3 loại virus cúm A, B, C gây bệnh viêm đường hô hấp cấp bùng phát mạnh, trong đó cúm A dễ tạo thành dịch, biến chứng có thể gây viêm xoang cấp, viêm tai giữa.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, để phòng tránh bệnh hô hấp cho trẻ trong thời tiết giao mùa cần tăng cường sức đề kháng bằng cách cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất như sắt, kẽm, DHA, omega 3… một cách hợp lý. Gần sáng và đêm lạnh nên cho trẻ mặc quần áo ấm, trưa nóng có thể cởi bớt ra. Không mặc nhiều, dày vì mồ hôi toát ra thấm ngược dễ gây ốm, sốt. Khi trẻ ốm, sốt vẫn cần lau rửa, tắm giặt, vệ sinh mũi họng, cơ thể hàng ngày sạch sẽ. Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh tay chân cho bé, rửa tay thường xuyên sẽ giúp bé tránh nhiễm bệnh, chăm sóc răng miệng sạch sẽ. Với trẻ bị ho không nên cho trẻ uống thuốc ho tùy tiện, bởi những cơn ho cũng góp phần đẩy đờm dãi ra ngoài. Khi trẻ ho kèm nôn trớ thì không nên cho ăn quá no, nên uống nước ấm, xịt rửa mũi, họng và dùng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần