Dịch Covid-19 dường như không thể ngăn chúng ta quyết định sống bình thường trở lại, mặc dù nhiều nước vẫn tìm cách hạn chế những tác động của nó qua một số biện pháp.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực của ngành y tế và cả hệ thống chính trị nhưng phải thừa nhận trong công cuộc phòng, chống dịch chúng ta vẫn còn chậm hơn một số nước trong khu vực. Đơn cử như tại thời điểm này từ Việt Nam bay sang Singapore không cần phải làm xét nghiệm Covid, nhưng từ Singapore trở về lại phải làm, vì Singapore bỏ yêu cầu này rồi, nhưng nước ta chưa bỏ.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam TS Phạm Thành Trí cho biết: “Với tôi và nhiều doanh nhân chi phí xét nghiệm 30 USD không là vấn đề, nhưng mất cả buổi để làm việc này thì quả là vô lý. Các “golf thủ” và du khách nước ngoài muốn đến Việt Nam cũng thấy oải”. Ở Singapore và khá nhiều nước khu vực Đông Nam Á, bây giờ dấu hiệu duy nhất còn lại của đại dịch Covid-19 chỉ còn là những chiếc khẩu trang, mà cũng chỉ phải đeo ở nơi công cộng trong nhà (ví dụ vào nhà hát, siêu thị), còn ở ngoài trời không bắt buộc.
Việt Nam không thể đứng ngoài lề cuộc chơi. Bộ Y tế mới đây đã chuẩn bị 2 kịch bản cho dịch Covid-19 trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng, chống đại dịch sang quản lý bền vững. Thứ nhất: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần dẫn đến các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước. Thứ hai: Xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên.
Theo PGS.TS, Đại tá Nguyễn Kim Lưu (Bệnh viện Quân y 103) phần lớn người dân nhiễm không triệu chứng, có thể tự cách ly, điều trị tại nhà. Cuộc sống đã, đang và sẽ hồi sinh sớm trở lại trạng thái bình thường khi chính quyền thực tế đã mở toàn bộ dịch vụ của đời sống. Đã đến lúc Việt Nam cần có cách tiếp cận mới với Covid-19, chưa vội tuyên bố chấm dứt đại dịch bởi có thể khiến người dân lơ là phòng ngừa bệnh nhưng cũng cần có những chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả, chú ý đến người có bệnh nền, người già sức đề kháng kém.
Thận trọng trong giai đoạn hoàn tất việc tiêm chủng trẻ em để có thể quyết định bước đi tiếp theo, Hà Nội thời gian qua cũng tiếp tục theo dõi diễn biến dịch trên thế giới, theo sát khuyến cáo của WHO để có đánh giá chính xác và phản ứng kịp thời. Virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 khác với nhiều virus gây dịch bệnh khác nên Hà Nội cần xem xét những ích lợi nào sẽ đạt được khi tuyên bố hết dịch.
Lựa chọn kịch bản nào khi giai đoạn chuyển tiếp từ phòng, chống đại dịch sang quản lý bền vững là nhiệm vụ của Bộ Y tế và Chính phủ. Nhưng rõ ràng, khi thông điệp 5K không còn phù hợp nữa thì cần phải sớm có một thông điệp mới, thích ứng với tình hình. Hà Nội thời gian qua được đánh giá là địa phương đã đi đầu trong suốt 2 năm chống dịch, nên thêm một lần nữa sứ mệnh lớn lại đặt lên vai các nhà lãnh đạo Thủ đô trong giai đoạn “quản lý bền vững” trong công tác phòng, chống dịch.