Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng chống dịch tả lợn châu Phi: Không chủ quan, lơ là

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến khá phức tạp, ngành nông nghiệp Hà Nội đang ráo riết triển khai các biện pháp phòng chống.

 Tiêm phòng bệnh cho đàn lợn để hạn chế nguy cơ mắc dịch tả châu Phi.
Nguy cơ lây nhiễm cao

Theo Tổ chức Thú y thế giới, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo có dịch tả lợn châu Phi, với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy trên 500.000 con. Riêng từ đầu tháng 8/2018 đến nay, tại Trung Quốc đã phát hiện 14 ổ dịch với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại mắc bệnh buộc phải tiêu hủy. Thời điểm này, Việt Nam chưa xuất hiện dịch, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm bệnh là rất cao, nhất là thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc qua biên giới. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, du lịch của người dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín cũng có thể đưa virus dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Tại Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận định, nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn là rất cao, do TP có tổng đàn lợn đứng tốp đầu cả nước với khoảng 2,04 triệu con. Hơn nữa, Hà Nội tiếp giáp với nhiều tỉnh, TP, có nhiều trục đường, cửa ngõ ra vào nên công tác quản lý dịch bệnh động vật, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, ATTP đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Toàn TP có 259 cơ sở, điểm giết mổ lợn, riêng cơ sở giết mổ lợn Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) hàng ngày giết mổ từ 1.700 – 2.000 con lợn, những ngày giáp Tết Nguyên đán lên tới 2.800 - 3.000 con/ngày. Trong số đó, 70% nhập từ các tỉnh, TP khác về. Đây là những nơi tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao.

Cả cộng đồng cùng vào cuộc

Thực tế ở các địa phương hiện nay, công tác phòng chống dịch vẫn còn nhiều bất cập. Do chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán nên việc kiểm soát dịch rất khó khăn. Ngoài ra, ý thức của nhiều hộ chăn nuôi chưa cao, còn lơ là, chủ quan đối với công tác phòng chống dịch bệnh. Ông Đồng Văn Đệ, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức hiện chăn nuôi hơn 30 con lợn. Tuy thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh và được cơ quan thú y hướng dẫn cách phòng dịch nhưng ông Đệ vẫn khá chủ quan cho rằng: "Dịch bệnh còn ở rất xa Việt Nam nên không đáng lo lắm".

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, do bệnh có diễn biến khá phức tạp, nếu để xảy ra dịch thì hậu quả rất nghiêm trọng, trong khi hiện nay chưa có vaccine đặc trị bệnh. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm lúc này cần tập trung triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn, chú trọng đến việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của cả cộng đồng đối với phòng chống dịch bệnh. Đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn lợn, chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở hàng ngày theo dõi đàn lợn nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. "Cần huy động cả cộng đồng cùng chung tay để phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất" - ông Tường chia sẻ.