Phòng chống đột quỵ: từ lý thuyết đến hành động
Kinhtedothi – Là chủ đề hội thảo do Báo Tiền Phong phối hợp với Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng tổ chức. Đột quỵ không phân biệt tuổi tác, giới tính hay địa vị xã hội, thậm chí vận động viên thể thao cũng bất ngờ gục ngã vì đột quỵ khi chưa kịp nhận biết triệu chứng.
Đột quỵ có xu hướng ngày càng trẻ hóa
Ngày 20/4, Báo Tiền Phong phối hợp với Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng tổ chức hội thảo “Phòng chống đột quỵ: từ lý thuyết đến hành động”. Chủ trì hội thảo là TS.BS Chuyên khoa II (CKII) Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế; tham dự hội thảo có TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh (QLKCB) Bộ Y tế cùng nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đột quỵ, tim mạch đến từ các bệnh viện ở miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu dự hội thảo “Phòng chống đột quỵ: từ lý thuyết đến hành động” do Báo Tiền Phong cùng Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng tổ chức.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - Nhà báo Lê Minh Toản cảnh báo đột quỵ đang trở thành mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Điều đáng lo ngại là căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa, ảnh hưởng cả đến người lao động trẻ, thanh niên, thậm chí học sinh.
Nhà báo Lê Minh Toản cho rằng, nhiều người chưa biết cách nhận diện dấu hiệu sớm, chưa chú trọng khám sức khỏe định kỳ hay duy trì lối sống lành mạnh. Điều này khiến việc cấp cứu và điều trị bệnh gặp khó khăn, dẫn đến nhiều trường hợp để lại di chứng nặng nề hoặc tử vong đáng tiếc. Ngoài ra, mạng lưới điều trị đột quỵ tại Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Do đó cần những chính sách cụ thể để phát triển hệ thống cấp cứu và điều trị đột quỵ hiệu quả, từ đào tạo nhân lực đến đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các tuyến y tế và cộng đồng.

Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - Nhà báo Lê Minh Toản nhận định, bệnh đột quỵ có xu hướng trẻ hóa.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nhận định, nội dung hội thảo phong phú, từ xây dựng mạng lưới phòng chống đột quỵ, công tác dự phòng trong cộng đồng, xử trí trong “thời gian vàng” cho đến các phương pháp điều trị chuyên sâu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức cho rằng, không nên sợ hãi đến mức ăn gì cũng sợ đột quỵ, đi đâu cũng lo bị đột quỵ. Điều quan trọng là hiểu đúng, hiểu rõ các yếu tố nguy cơ như: hút thuốc, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu hay lối sống thiếu vận động, từ đó chủ động phòng ngừa thay vì sợ hãi mơ hồ. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở y tế khám lâm sàng cần kỹ lưỡng để tránh lạm dụng cận lâm sàng không cần thiết, giúp người bệnh tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị.
“Giờ vàng” quyết định số phận bệnh nhân
Tại hội thảo, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa có tham luận “Tổng quan tình hình cấp cứu, điều trị đột quỵ tại Việt Nam”. Theo đó, trên thế giới trong các bệnh không lây nhiễm, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai, là nguyên nhân đứng thứ ba gây tử vong và tàn tật cộng lại.
Theo Tổ chức Đột quỵ thế giới, cứ 6 người thì có 1 người bị đột quỵ trong đời; cứ 2 giây có một ca đột quỵ mới xảy ra trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, trong đó có đến 50% ca bệnh dẫn đến tử vong hoặc tàn phế nghiêm trọng.

TS - BS CKII Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TPO
Đột quỵ không còn là bệnh của người già. Năm 2019, 63% số ca đột quỵ xảy ra ở người dưới 70 tuổi, 16% xảy ra ở người dưới 50 tuổi. Bệnh nhân bị đột quỵ dù được chữa trị tại trung tâm tốt nhất, khả năng quay trở lại công việc trước đây vẫn không khả quan, cứ 2 người bị đột quỵ thì mất đi một lao động.
Để phòng chống đột quỵ, phải thiết lập cộng đồng lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, giảm hút thuốc lá, chất có cồn… Khi bị đột quỵ, cần chăm sóc liên tục từ khi xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng, vận chuyển, xử trí cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng…
Trong báo cáo tham luận của mình, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, đột quỵ là bệnh lý hàng đầu gây ra tàn phế, 90% người bị đột quỵ đều có yếu tố nguy cơ. Vì vậy, cách tốt nhất là kiểm soát yếu tố nguy cơ, chứ không phải uống một viên thuốc có thể phòng ngừa điều trị suốt đời.
Về lâm sàng, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng chia sẻ, nếu cơ sở y tế khám kỹ lưỡng lâm sàng, phát hiện sớm triệu chứng đột quỵ và kịp thời đưa bệnh nhân đến đúng bệnh viện chuyên chữa trị đột quỵ, thì cơ hội cứu chữa cao vì tận dụng được “giờ vàng”.
Đồng quan điểm nêu trên, TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ khẳng định, “giờ vàng” là yếu tố sống còn với bệnh nhân đột quỵ, mỗi phút trôi qua khi bị đột quỵ, người bệnh có thể mất 2 triệu tế bào thần kinh.
Trong khoảng thời gian 3 - 6 giờ đầu, kể từ khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến cơ sở y tế chuyên sâu và điều trị kịp thời bằng thuốc tiêu sợi huyết hoặc can thiệp nội mạch lấy huyết khối thì khả năng phục hồi hoàn toàn có thể lên đến 90%.
Đột quỵ không phân biệt tuổi tác, giới tính hay địa vị xã hội, thậm chí vận động viên thể thao cũng bất ngờ gục ngã vì đột quỵ khi chưa kịp nhận biết triệu chứng hoặc xử trí đúng cách.

Hội nghị lần thứ 39 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa XI quyết nhiều vấn đề quan trọng
Kinhtedothi – Ngày 15/4, Ban Chấp hành Đảng bộ (BCHĐB) TP Hồ Chí Minh khóa XI họp chuyên đề và đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó, có việc sáp nhập tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP Hồ Chí Minh.

Khánh thành dự án tu bổ một số hạng mục Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt căn cứ Trung ương Cục miền Nam
Kinhtedothi – Đây là một trong hai dự án trọng điểm của tỉnh Tây Ninh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Tây Ninh (30/4/1975-30/4/2025).

TP Hồ Chí Minh khởi công, khánh thành nhiều công trình giao thông
Kinhtedothi – Trong các công trình, dự án khởi công, khánh thành trên cả nước chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), TP Hồ Chí Minh có 6 công trình, dự án đồng loạt khởi công và khánh thành trong ngày 19/4.