Hỗ trợ 66 nạn nhân bị mua bán người trở về
Những năm gần đây, tình hình MBN tại Hà Nội có diễn biến phức tạp, bởi tăng dân số cơ học do di dân tự do, số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ ngày càng tăng, giao thương với Trung Quốc thuận lợi. Hà Nội là địa bàn trung chuyển của các vụ MBN. Năm 2020, Công an TP Hà Nội đã điều tra, triệt phá 3 vụ MBN, bắt giữ 8 đối tượng, xác định 5 nạn nhân, trong đó có 1 nạn nhân người Hà Nội. 9 tháng năm 2021, các tổ chức xã hội trên địa bàn TP Hà Nội đã tiếp nhận, hỗ trợ 66 nạn nhân bị MBN trở về, trong đó có 2 nạn nhân là công dân Hà Nội và 1 nạn nhân bị bán sang Trung Quốc tự trở về.
Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức tập huấn, tuyên truyền về phòng chống mua bán người tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng. Ảnh: Trần Oanh |
Thực hiện Chương trình phòng, chống MBN cũng như nhằm tăng cường nâng cao nghiệp vụ, phổ biến các quy định của pháp luật trong phòng, chống MBN và chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, ngay khi TP Hà Nội kiểm soát được dịch Covid-19, Chi cục PCTNXH đã tổ chức các buổi tuyên truyền phòng, chống MBN năm 2021 cho 10 xã trên địa bàn 5 huyện: Thanh Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thạch Thất, Đan Phượng. Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH Phùng Quang Thức cho biết, qua các buổi tập huấn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người dân tại về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm MBN. Đồng thời, tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm MBN, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, góp phần làm giảm nguy cơ bị mua bán, bị mua bán trở lại.Xác định phòng chống MBN là nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ người dân cũng như nâng cao ý thức cảnh giác của mọi người về phòng chống MBN, những buổi tập huấn, tuyên truyền phòng, chống MBN do Chi cục PCTNXH phối hợp với các huyện, xã tổ chức đều có tương đối đầy đủ các thành phần được mời tham dự. Trao đổi về công tác phòng chống MBN, Chủ tịch UBND xã Trung Châu, huyện Đan Phượng Đỗ Trung Thành cho biết: Trung Châu là xã thuần nông, cách xa trung tâm huyện, nằm bám theo ven sông Hồng, giáp với huyện Phúc Thọ. Người dân xã Trung Châu làm nông nghiệp là chính; nhiều năm nay không xảy ra tình trạng MBN. Bà con nông dân nơi đây sản xuất nông nghiệp; giao lưu, tiếp cận với pháp luật có phần hạn chế hơn. Chính vì thế, hàng năm, xã vẫn liên hệ với Sở Tư pháp để tổ chức tuyên truyền về pháp luật cho bà con. Lan tỏa từ những học viên nòng cốtGhi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại buổi tập huấn, tuyên truyền phòng, chống MBN tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng ngày 3/11/2021 cho thấy, đại biểu cấp huyện, xã, tổ chức xã hội và một số hộ dân ở các thôn tham gia tương đối đầy đủ. Các đại biểu chăm chú lắng nghe cán bộ Chi cục PCTNXH thông tin về các nội dung liên quan đến những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm MBN và cách phòng, chống. Các học viên còn sôi nổi trả lời những câu hỏi về chủ đề phòng chống MBN. “Những buổi tuyên truyền phòng, chống MBN như thế này rất có ý nghĩa. Bởi hiện nay, mạng xã hội phát triển, các con vào Facebook, Zalo kết bạn, trong khi sự giám sát và kết nối của bố mẹ rất khó. Cộng với việc, do dịch Covid-19 nên học sinh phải dùng máy tính, điện thoại có kết nối wifi để học online, đó là những nguy cơ bị lừa gạt MBN, rất nguy hiểm” – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 2, xã Trung Châu (huyện Đan Phượng) Đặng Thị Kim Dung chia sẻ. Chị Đặng Thị Kim Dung cho biết thêm, sau buổi tập huấn sẽ nhắc nhở các con không được tham lam nhận đồ người lạ cho. Hơn nữa, con đang học lớp 8, ở tuổi bắt đầu yêu nên cha mẹ luôn gần gũi để nắm bắt tâm tư tình cảm, nguyện vọng của con. Ngoài ra, chị sẽ truyền đạt lại những thông tin mình tiếp nhận được từ buổi tập huấn phòng phống MBN tới các hội viên phụ nữ trong thôn 2, tập trung vào những nguy cơ dẫn đến MBN và cách phòng, chống. Sau khi được tham dự chương trình tập huấn phòng chống MBN, nhiều học sinh đều nhận thấy rất bổ ích vì biết được những chiêu lừa của tội phạm MBN. Em Lê Đỗ Mai Ly - học sinh 12A7, trường THPT Đan Phượng (huyện Đan Phượng), bộc bạch: “Em thấy các bạn sử dụng mạng xã hội từ rất sớm và làm quen, kết bạn qua mạng cũng nhiều nên cần phải chú ý về những cách thức, thủ đoạn của tội phạm MBN. Ngay bản thân em, có nhiều lần các tổ chức gửi thông tin quảng cáo đi làm công việc nhẹ nhàng lương tháng lên tới 30 – 40 triệu đồng. Tầm tuổi chúng em cứ thấy nhiều tiền là dễ nghe theo, rất may là em đã cảnh giác nên không bị lừa”.Em Lê Đỗ Mai Ly và 5 bạn đoàn viên tham dự lớp tập huấn phòng chống MBN sẽ thiết kế các nội dung đã được tiếp nhận một cách dễ hiểu nhất để truyền đạt lại cho các bạn đoàn viên khác trong thôn. Ngoài ra, nhóm đoàn viên sẽ viết bài tuyên truyền về phòng, chống MBN đăng lên trang fanpage của xã Trung Châu để thông tin tới tất cả các bạn khác cùng xem và cảnh giác với tội phạm MBN.
"Việc tuyên truyền phòng, chống MBN rất có ý nghĩa, qua đó giúp người dân nắm được thủ đoạn của các đối tượng dùng để mua chuộc, gài bẫy từ đó tránh sa vào tệ nạn MBN." - Chủ tịch UBND xã Trung Châu, huyện Đan Phượng Đỗ Trung Thành |