Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng ngừa bệnh tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa Hè, thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, hư hỏng, nhiễm khuẩn nếu không bảo quản đúng. Khi người dân tiêu thụ các loại thực phẩm này, vi khuẩn sẽ tấn công hệ tiêu hóa, gây ra các bệnh về tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột, nặng hơn là ngộ độc.

Cấp cứu sau ăn phở, xúc xích ven đường

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, mới đây, đơn vị đã tiếp nhận bệnh nhân N.T.K., (17 tuổi, ở Phú Thọ) trong tình trạng mệt mỏi, tiêu chảy liên tục, sốt cao. Những triệu chứng trên xuất hiện sau 6 giờ khi nam thanh niên đi ăn phở ở bên ngoài về.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn tiêu hoá. Sau 3 ngày điều trị bằng truyền dịch, kháng sinh, giảm tiết, bảo vệ niêm mạc tiêu hoá, bệnh nhân K. đã ổn định và được ra viện.

Tương tự, bệnh viện này cũng mới tiếp nhận bệnh nhân N.H.T., 29 tuổi trong tình trạng đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần sau khoảng 6 giờ ăn xúc xích ven đường. Kết quả xét nghiệm cho thấy, người bệnh có số lượng bạch cầu cao bất thường 11.32G/L, Mono 1.51G/L, Mono 13.4%, độ phân tán của đường kính hồng cầu 16.4%. Sau điều trị 3 ngày, người bệnh ổn định và được ra viện.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ kiểm tra sức khỏe cho người bệnh bị nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ kiểm tra sức khỏe cho người bệnh bị nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Bác sĩ nội trú Trần Văn Sơn, khoa Nội hô hấp - Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho hay, vào mùa Hè, bệnh viện thường tiếp nhận các trường hợp mắc bệnh lý tiêu hóa như: tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm…

Theo thống kê tại khoa Nội Hô hấp – Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, số người đến khám và điều trị vì các bệnh lý tiêu hóa đã tăng lên đáng kể từ đầu mùa Hè.

Nếu trước đây, mỗi ngày khoa Nội Hô hấp – Tiêu hóa chỉ tiếp nhận từ 3-5 người bệnh nhập viện do bệnh lý tiêu hóa như đau bụng, nôn, tiêu chảy. Nhưng đến thời điểm hiện tại, số lượng này đã tăng gấp 2-3 lần, dao động từ 10-15 người bệnh ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Số người mắc bệnh tiêu hóa tăng, chủ yếu do thời tiết nắng nóng, việc bảo quản thực phẩm mùa nóng chưa được tốt khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu…

“Do thời tiết nóng ẩm, việc bảo quản chưa tốt khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu. Khi người bệnh ăn các loại thực phẩm này, vi khuẩn sẽ tấn công hệ tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột, nặng hơn là ngộ độc” - bác sĩ Sơn lý giải.

Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng đã tiếp nhận bệnh nhân L.V. (56 tuổi, trú tại Hải Dương) trong tình trạng khó thở nhẹ, mạch nhanh, huyết áp tụt, phụ thuộc thuốc vận mạch, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, đau quặn bụng quanh rốn…

Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, biến chứng sốc (hay còn gọi là sốc nhiễm khuẩn cửa vào đường tiêu hoá), tổn thương thận cấp.

Trước đó, bệnh nhân ăn bánh cuốn, sau khi ăn xong đột ngột xuất hiện triệu chứng nôn nhiều, đau quặn bụng từng cơn, đau bụng liên tục, đại tiện phân lỏng nhiều lần, phân vàng, không có bọt, sốt nhẹ, toàn thân gai rét.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Tại Hà Nội, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, TP cũng đã ghi nhận 4 bệnh nhân liên quan đến sự cố về an toàn thực phẩm (ATTP). Trong đó, 2 bệnh chẩn đoán ngộ độc methanol, 2 bệnh nhân nhiễm khuẩn đường tiêu hoá.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho hay, thời tiết nắng nóng là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển trong các thực phẩm giàu dinh dưỡng.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của TP Hà Nội kiểm tra thực phẩm đông lạnh tại một siêu thị trên địa bàn Hà Nội.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của TP Hà Nội kiểm tra thực phẩm đông lạnh tại một siêu thị trên địa bàn Hà Nội.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, người dân, cơ sở cần thực hiện các điều kiện quy định chặt chẽ về ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống như nguồn nguyên liệu, cơ sở chế biến, và bảo quản thực phẩm. Người chế biến thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn.

Đối với người tiêu dùng nên chọn mua, sử dụng thực phẩm của những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đảm bảo ATTP, thận trọng với các thực phẩm được bày bán ngoài lề đường, hàng rong, nhất là những món ăn được chế biến sẵn.

Liên quan đến vấn đề này, theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng quốc gia, không chỉ thức ăn đường phố không bảo đảm dễ gây ngộ độc, ngay việc chế biến thực phẩm ở gia đình, người nội trợ cũng cần chú ý khâu vệ sinh. Để có thực phẩm an toàn, tốt nhất chuẩn bị lượng thực phẩm vừa đủ và ăn ngay sau khi chế biến, nếu chưa sử dụng cần bảo quản cẩn thận (dùng màng bọc PE, hộp nhựa, lồng bàn, tủ lạnh...).

Cơ quan chức năng kiểm tra ATTP tại cửa hàng thức ăn đường phố trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Cơ quan chức năng kiểm tra ATTP tại cửa hàng thức ăn đường phố trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Thức ăn để sau 2 giờ phải hâm nóng lại trước khi sử dụng. Không nên để thực phẩm qua đêm và hâm đi hâm lại nhiều lần. Chỉ nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh trong một thời gian nhất định.

Ngoài ra, người dân cần phải phân loại thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh. Để riêng thực phẩm chín và thực phẩm sống, tất cả thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh phải được gói kín hoặc để trong khay, hộp có nắp đậy kín.

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, hư hỏng, nhiễm khuẩn nếu không bảo quản đúng. Khi người bệnh tiêu thụ các loại thực phẩm này, vi khuẩn sẽ tấn công hệ tiêu hóa, gây ra các bệnh về tiêu hóa, phổ biến là rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột, nặng hơn là ngộ độc.

Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng ngừa các bệnh tiêu hóa, người dân cần lựa chọn thực phẩm kỹ lưỡng, hạn chế sử dụng nước có gas, giảm ăn đồ lạnh, xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý trong mùa nắng nóng như uống đủ nước, tăng cường rau xanh.

Người dân cần tuân thủ ăn chín, uống sôi, rửa sạch thực phẩm trước khi ăn; vệ sinh tủ lạnh sạch sẽ. Thức ăn bảo quản lâu trong tủ mát vẫn có thể bị hỏng và ngộ độc, do đó không nên sử dụng đồ ăn thừa sau 4-5 ngày bảo quản ở ngăn mát. Khi người dân thấy các dấu hiệu đau bụng, sốt, nôn ói, tiêu chảy… cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.